Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng "rất hợp lý"
Theo Bộ trưởng Nội vụ, đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 đồng/tháng là rất hợp lý, tạo được động lực mới, giảm hiện trạng công chức, viên chức xin thôi việc. Mức điều chỉnh khoảng 20,8% đang tiệm cận dần với cải cách chính sách tiền lương. Tiếp đến, trong những năm tới, nếu tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, thì có thể triển khai cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27.
Liên quan đến tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, với 39.552 người trong thời gian qua, theo Bộ trưởng Nội vụ, chủ yếu là viên chức với 35.523 người, còn công chức chỉ hơn 4.000 người, chủ yếu rơi vào hai ngành giáo dục và y tế. Cụ thể, với giáo dục, trong 2,5 năm qua, số người xin thôi việc là 16.427 người; còn với y tế là 12.198 người.
"Số liệu báo cáo trong 2,5 năm nhưng trên thực tế, số lượng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều rơi vào 6 tháng cuối năm 2021 và đặc biệt 6 tháng đầu năm 2022”, bà Trà lý giải.
Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Nội vụ, do tác động của đại dịch COVID-19 dẫn đến áp lực công việc rất lớn, đặc biệt nhân viên y tế phải làm việc trong bối cảnh cực kỳ nguy hiểm, rủi ro nhưng hỗ trợ cho đời sống chưa đáp ứng được. Tương tự, với nhân viên ngành giáo dục phải thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến cũng dẫn đến áp lực rất lớn… Khi đại dịch COVID-19 được khống chế, các dịch vụ như y tế, giáo dục ngoài công lập có điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ hơn nên đã thu hút nguồn nhân lực rất lớn từ công sang tư, bởi có chế độ ưu đãi tốt hơn.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng, cần tập trung để nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và việc điều chỉnh tăng lương cơ sở chính là một cách để giảm bớt khó khăn cho người lao động. Đồng thời, xem xét lại tổng thể, công tâm, khách quan về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức; xây dựng môi trường làm việc văn hóa, thân thiện để người lao động yên tâm làm việc, cống hiến…
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, trên thế giới, tình trạng này cũng diễn ra rất phổ biến. Bà ví dụ Singapore, một đất nước có nền công vụ rất tốt, thế nhưng tỷ lệ công chức, viên chức nghỉ việc chiếm khoảng hơn 9%; hay như Hoa Kỳ, các nước trong khối ASEAN, số lượng công chức, viên chức ở khu vực công chuyển sang khu vực tư cũng rất lớn. Theo Bộ trưởng, đó là một xu thế để đảm bảo được cân bằng trong thị trường lao động. Chính vì vậy phải tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa khu vực công và khu vực tư.