'Bốc thuốc' để bước vào thi

Ngọc Trang | 02/07/2022, 13:07
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

GD&TĐ - Đối với thí sinh, tâm lý và sức khỏe là vô cùng quan trọng. Chuẩn bị tốt những điều này sẽ góp phần giúp các em làm bài thi đạt hiệu quả cao.

Cân bằng cảm xúc

Ngày thi đến gần, nhiều sĩ tử sẽ gặp phải các triệu chứng như suy giảm trí nhớ, tiếp thu kiến thức và phân tích thông tin chậm. Các em còn bị căng thẳng kéo dài tác động đến tinh thần và sức khỏe.

Một số thí sinh có nền tảng kiến thức tốt, nhưng không vượt qua được lo lắng dẫn đến việc không giữ được phong độ làm bài trong các môn thi. Nhiều bạn khác còn gặp phải hội chứng rối loạn lo âu.

TS Lê Thị Thanh Thủy, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên, chia sẻ, sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ ảnh hưởng đến con cái. Mặc dù là muốn tốt cho con nhưng lứa tuổi các em chưa hiểu hết được điều đó. Có nhiều cách để quan tâm như nhắc nhở giờ ngủ, chăm lo ăn uống… Quan trọng nhất, cha mẹ hãy tin tưởng vào con.

“Bởi vì bạn quan tâm quá nhiều đến con, bạn cũng sẽ gây áp lực cho chúng. Vì vậy, phụ huynh cần giữ sự lưu tâm cho kỳ thi này ở mức vừa phải. Ví dụ, bạn chỉ cần để ý đến vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng một cách hợp lý, đừng làm vấn đề trở nên quá phức tạp. Bạn càng chú ý đến trẻ, càng dễ mang lại sự lo lắng”, TS Lê Thị Thanh Thủy chia sẻ.

Ngoài ra, gia đình phải duy trì bầu không khí bình yên, không nên có những cuộc cãi vã xung đột. Một số cha mẹ rất tức giận khi thấy con cái họ nghỉ ngơi hoặc chơi game. “Còn vài ngày nữa là thi rồi mà vẫn chơi game, khi nào thi xong chơi thoải mái”.

Trong trường hợp này, những câu nói như vậy không hề có ích. Thực tế, thói quen của trẻ đã được hình thành từ lâu. Do đó, cha mẹ nên kiểm soát căng thẳng và giữ cho gia đình bầu không khí thoải mái và dễ chịu.

Theo chuyên gia tâm lý này, trạng thái tâm lý ổn định có lợi cho các sĩ tử. Nhưng vấn đề tâm lý phổ biến nhất mà học sinh gặp phải trong mùa thi là sự lo lắng.

Lo lắng thi cử xuất hiện trước, trong và sau khi thi

Trước kỳ thi quan trọng, học sinh hồi hộp, mất ngủ, không tập trung, không thể học và bồn chồn. Một số trẻ cảm thấy lạ lẫm với những điều chúng đã học và không thể nhớ nổi kiến thức, một số trẻ cũng có biểu hiện cáu kỉnh bất thường và dễ nổi nóng ở nhà.

Trong khi thi, học sinh thường có cảm giác tay run, đánh trống ngực, đổ mồ hôi và cảm thấy đầu óc trống rỗng. Còn sau kỳ thi, các em lo lắng về các câu trả lời, mỗi ngày đứng ngồi không yên tâm và chờ đợi kết quả các nguyện vọng.

TS Lê Thị Thanh Thủy cho rằng, đây là chuyện bình thường ở lứa tuổi này. Các em coi trọng kỳ thi, quan tâm cho chính tương lai của mình là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, làm sao để tiết chế được cảm xúc là tốt nhất. Học sinh không quá căng thẳng, cũng không quá phấn chấn, cố gắng giữ trạng thái cân bằng. Bên cạnh đó cần coi kỳ thi là một bài kiểm tra đánh giá chất lượng học tập thay vì những ý nghĩ lớn lao, to tát. Hít thở sâu, uống ngụm nước hay vươn vai cũng phần nào giảm áp lực trong phòng thi mà vẫn bảo đảm không vi phạm quy chế.

Thực phẩm giúp có sức khỏe tốt

Chuyên gia cho rằng, vào mùa thi, học sinh cần lưu ý đến những thực phẩm cung cấp năng lượng cho hoạt động của não và hỗ trợ duy trì trí nhớ. Đặc biệt cần ăn uống lành mạnh, đủ chất và đúng giờ.

Bác sĩ Lê Minh Hương (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khuyên rằng, cha mẹ nên chú ý tới các nhóm thực phẩm bổ sung năng lượng, dễ tiêu hóa và tránh gây nóng hay đầy bụng. Trong đó, ngũ cốc là nhóm thực phẩm chủ yếu cung cấp tinh bột cho cơ thể, đặc biệt là cung cấp năng lượng cho hoạt động của não.

Cần sắp xếp thời gian học, nghỉ ngơi và ăn uống khoa học. Không nên để trẻ cố thức khuya để học, sáng nên thức dậy đúng giờ, ăn sáng đầy đủ. Tuyệt đối không bỏ bữa ăn sáng vì đây là bữa ăn quan trọng giúp bổ sung phần lớn dinh dưỡng cần thiết trong ngày.

Bữa ăn sáng quan trọng vì sau khi trải qua một đêm dài, khi ngủ dậy, lượng đường trong máu thường ở mức thấp. Trong khi cơ thể lại cần đường cho cơ và não hoạt động và bữa sáng giúp bổ sung lượng đường này. Nên bổ sung các thực phẩm như sữa, trứng, cá, thịt gà, rau củ vào thực đơn của bữa ăn sáng.

Bữa trưa và bữa tối cũng cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và đúng giờ. Đối với các bữa phụ cũng nên bố trí thời gian hợp lý như giữa sáng, giữa chiều, nên cho trẻ uống sữa, ăn sữa chua, trái cây… Các món ăn nên chế biến tại nhà để đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.

Cần lưu ý không nên để trẻ ăn quá no sẽ gây đầy bụng, ậm ạch, khó tiêu. Ăn quá no khiến máu tập trung nhiều về dạ dày và ruột, lượng máu lên não sẽ giảm đi dẫn đến tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ…

Ngoài ra, nếu ăn quá no, cơ thể sẽ giải phóng hormone insulin. Điều này có thể sẽ khiến cho lượng đường trong máu suy giảm, gây ra những cảm giác căng thẳng và không thể tập trung.

“Tốt nhất nên cho trẻ ăn lượng thức ăn vừa đủ, không nhồi nhét quá nhiều thực phẩm bổ dưỡng. Sau khi ăn xong nên nghỉ ngơi, thư giãn, vận động nhẹ nhàng ít nhất 30 phút mới nên học tiếp”, bác sĩ Hương đưa ra lời khuyên.

Bên cạnh đó, cần hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, muối, đường như xúc xích, thịt nguội, gà rán, thịt nướng, bánh ngọt, nước ngọt công nghiệp… Tuy tiện lợi nhưng thiếu các chất dinh dưỡng, chứa nhiều calo, đường, muối, chất béo không lành mạnh, thiếu vitamin và khoáng chất. Nếu ăn nhiều và thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Đồ uống chứa các chất kích thích như cà phê, trà, nước tăng lực… có tác dụng kích thích thần kinh, gây cảm giác tỉnh táo tạm thời. Nhưng nếu lạm dụng sẽ gây khó ngủ, mất ngủ, mệt mỏi, căng thẳng, tim đập nhanh, tăng huyết áp…

“Ngoài ra, không nên cho trẻ ăn thức ăn đường phố, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh, các món gỏi tái, sống. Đây là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm… ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, có thể làm gián đoạn quá trình học tập và thi cử của trẻ”, bác sĩ Hương nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Bốc thuốc' để bước vào thi