Bữa trưa bán trú: Căng thẳng tìm nhà cung cấp suất ăn chất lượng

03/11/2023, 18:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong công tác tổ chức bán trú, chất lượng bữa ăn luôn là mối quan tâm đặc biệt của các cơ sở giáo dục cũng như phụ huynh.

Do điều kiện cơ sở vật chất, không phải trường nào cũng tổ chức được bếp ăn tại trường học, trong khi đó việc tìm đơn vị ngoài uy tín không phải dễ.

Khó tìm nhà cung cấp

Liên quan đến phản ánh của phụ huynh về công ty cung cấp suất ăn trưa không đảm bảo an toàn, 6 trường học trên địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM) đã tạm ngưng tổ chức bữa ăn bán trú, tìm đơn vị cung cấp khác. Tuy nhiên việc tìm “đối tác” mới không phải “một sớm, một chiều” là được. Hiện các trường vẫn phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh xem xét hồ sơ, tham quan các bếp ăn để lựa chọn đơn vị phù hợp.

Trường Tiểu học Phước Thạnh (TP Thủ Đức) là 1 trong 6 đơn vị tạm ngưng cung cấp suất ăn bán trú với công ty trên để tìm đơn vị mới. Cô Hiệu trưởng Lê Thị Kim Ngân cho biết: “Những ngày qua, nhà trường tiếp nhận 8 hồ sơ của đơn vị cung cấp suất ăn bán trú. Trên cơ sở đó sẽ nắm bắt năng lực dựa trên hồ sơ, khoảng cách địa lý, kinh nghiệm trong công tác phục vụ bữa ăn cho học sinh, chọn 3 đơn vị ưu thế nhất rồi tới tham quan, đánh giá thực tế”.

Cũng theo chia sẻ của cô Kim Ngân, trường có hơn 1 nghìn học sinh đăng ký ăn bán trú, nên dù là đơn vị trước đây hay nhà cung cấp mới thì việc đảm bảo các quy định an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Nhà trường cũng tham khảo ý kiến từ đại diện các cơ quan chức năng liên quan.

“So với trường khác, Trường Tiểu học Phước Thạnh khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu phòng học, chức năng. Nhà trường sẽ cố gắng lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn bán trú sớm nhất. Song, nếu nhà cung cấp chưa sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân sự thì chúng tôi phải dành thời gian để họ chuẩn bị. Đơn vị cung cấp được chọn, dự kiến sẽ thử nghiệm một thời gian, nếu đáp ứng tốt mới ký hợp đồng chính thức”, cô Kim Ngân bày tỏ.

Trường Tiểu học Phú Hữu (TP Thủ Đức, TPHCM) đã ngưng cung cấp suất ăn bán trú sau phát hiện của phụ huynh về chất lượng nhà cung cấp. Thầy Phan Thanh Phải - Hiệu trưởng cho biết, trường đã họp với ban đại diện cha mẹ học sinh để xem xét 3 hồ sơ cung cấp suất ăn bán trú công nghiệp được giới thiệu. Một trong những tiêu chí phụ huynh đưa ra là chọn đơn vị gần để dễ kiểm tra, giám sát.

“Lãnh đạo trường cũng như ban đại diện cha mẹ học sinh đã tham quan một đơn vị bếp ăn trên địa bàn TP Thủ Đức. Mọi người thống nhất chọn đơn vị này và mong muốn đầu tuần sau sẽ tổ chức bữa ăn bán trú trở lại. Tuy nhiên, đơn vị cung cấp suất ăn cần thêm thời gian để chuẩn bị nhân sự, cơ sở…”, thầy Phải nói.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3, TPHCM) trong giờ ăn bán trú. Ảnh: Hồ Phúc
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3, TPHCM) trong giờ ăn bán trú. Ảnh: Hồ Phúc

Không dễ tự tổ chức bếp ăn bán trú

Tìm kiếm đơn vị cung cấp suất ăn uy tín khó nhưng không phải trường học nào cũng có thể tổ chức được bếp ăn tại chỗ, vì điều kiện cơ sở vật chất không cho phép. Thực tế này không chỉ diễn ra ở TPHCM mà ở nhiều địa phương khác.

Theo bà Nguyễn Kiều Phương - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ, đặc thù của địa phương là hầu hết trường học xây dựng trước đây, có quy mô, diện tích tương đối hẹp. Do đó, ngành Giáo dục khó tổ chức nhà bếp, nhà ăn bán trú tại trường.

“Quận có 13 trường tiểu học, song chỉ 3 trường được đầu tư nâng cấp đảm bảo đủ điều kiện nhà bếp, nhà ăn… để tự tổ chức bếp ăn. Còn 10 trường phải hợp đồng với cơ sở kinh doanh cung cấp suất ăn cho học sinh để đảm bảo thuận lợi, đáp ứng nhu cầu phụ huynh”, bà Phương chia sẻ.

Cô Đinh Thị Hoàng Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Hòa 2 (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết, trường xây từ lâu, cơ sở vật chất để tự tổ chức bếp ăn không đảm bảo. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu bán trú của học sinh, nhà trường hợp đồng, thuê cơ sở kinh doanh cung cấp suất ăn công nghiệp. Nhu cầu phụ huynh đăng ký học bán trú ít, khoảng 115/341 học sinh (năm học 2023 - 2024), nên việc tìm đơn vị cung cấp thức ăn không dễ dàng.

“Quy mô bán trú nhỏ cũng ảnh hưởng đến chi phí bữa ăn. Nếu thu ít sẽ không đảm bảo chất lượng, thu nhiều hơn lại vượt quy định. Thời gian qua, nhà trường phải linh hoạt hợp đồng ghép chung với các trường lân cận...”, cô Lan chia sẻ.

Ở khu vực đô thị, đa số phụ huynh học sinh trên địa bàn là cán bộ viên chức Nhà nước, công nhân, người lao động tại khu công nghiệp. Nhu cầu phụ huynh gửi con học bán trú cao, nhất là đối tượng học sinh tiểu học. Không có bếp ăn, nhiều trường học phải hợp đồng suất ăn công nghiệp.

Để đảm bảo chất lượng bữa ăn cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian qua, ngành Giáo dục các địa phương thường xuyên chỉ đạo nhà trường chủ động phối hợp với trung tâm y tế, UBND phường… kiểm tra điều kiện hoạt động của cơ sở kinh doanh cung cấp suất ăn công nghiệp.

“Chúng tôi cũng lưu ý cơ sở giáo dục trên địa bàn chủ động phối hợp với cơ sở nấu ăn linh hoạt thực đơn, tính toán đảm bảo khẩu phần ăn để đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Đồng thời với kinh phí bữa ăn, khi tính toán khoản thu phải đảm bảo sát giá suất ăn, chất lượng không được kém hơn”, bà Nguyễn Kiều Phương cho hay.

Tổ chức bữa ăn bán trú khó khăn nên nhiều trường phải dựa vào điều kiện thực tế để giới hạn số lượng. Cuối tháng 8/2023, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3, TPHCM) thông báo kế hoạch tổ chức bán trú của năm học 2023 - 2024. Trong đó nhấn mạnh, vì điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự quản lý…, nhà trường chỉ tổ chức bán trú cho những học sinh khối 10, 11 và 12 gặp khó khăn về đi lại, không tổ chức bán trú đại trà.

_____________________________

Kỳ 3: Giải bài toán chất lượng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bữa trưa bán trú: Căng thẳng tìm nhà cung cấp suất ăn chất lượng