Trên các diễn đàn mạng xã hội, phụ huynh lần lượt bày tỏ ý kiến:
"Cứ ngỡ Bộ bỏ thi Học sinh Giỏi ở cấp tiểu học thì các con đỡ áp lực hơn nhưng thực tế là áp lực chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Không thi Học sinh giỏi thì thi quốc tế. Nhìn nhiều phụ huynh cho con chạy đua thi từ lớp 1 mà sợ. Cảm giác nhiều phụ huynh đang làm khổ con vì thành tích";
"Tôi nghĩ rằng, mọi rối rắm của ngành giáo dục đều do phụ huynh. Phụ huynh chạy theo thành tích, muốn con giành huy chương, muốn có chứng chỉ để làm đẹp hồ sơ xét tuyển các trường CLC, hoặc vào các lớp chọn nên mới nổ ra nhiều cuộc thi. Có cung, ắt có cầu";
"Nhiều cuộc thi có tiếp thị, liên kết với nhà trường. giáo viên cũng vận động bố mẹ cho con đi thi thử nhưng chung quy cũng đâu có bắt buộc phải thi. Bố mẹ có thể tham khảo 1, 2 cuộc thi, thấy thực sự bổ ích thì có thể cho con thử sức, đằng này nhiều phụ huynh như chạy đua, giải nào cũng cho đi thi. Rồi nhiều nhà đặt mục tiêu con phải có huy chương bằng được. Cũng do tâm lý bố mẹ muốn có thành tích thôi";.
"Cho con thi thố, chạy đua từ tiểu học như này thì mệt thật".
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cho rằng, việc cho con tham gia các cuộc thi quốc tế (các cuộc thi uy tín, lâu năm, được đánh giá cao về chất lượng) cũng có nhiều mặt lợi như giúp con có cơ hội cọ xát, tăng thêm kiến thức, tự tin, mạnh dạn hơn. Nhưng phụ huynh cần tránh sa đà, không nên tạo áp lực quá mức cho con ngay từ bậc tiểu học bởi ở độ tuổi này, ngoài chuyện học tập, các em còn rất cần phát triển kỹ năng sống.