Các hệ thống an toàn trên ô tô sử dụng thế nào?

03/10/2023, 13:51
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các nhà sản xuất trang bị nhiều hệ thống an toàn trên ô tô nhằm bảo vệ người lái và hành khách, giảm thiểu các rủi ro khi xe di chuyển.

Hệ thống an toàn gồm những trang bị trên xe giúp hỗ trợ người lái trong việc điều khiển phương tiện, giảm đến mức tối thiểu nguy cơ tai nạn, chấn thương khi xe đang vận hành.

Giải mã các hệ thống an toàn trên ô tô

Dưới đây là những hệ thống an toàn phổ biến ở nhiều dòng xe hiện nay.

Hệ thống túi khí SRS

Hệ thống túi khí trên ô tô – Supplemental Restraint System (SRS)  - có vai trò hạn chế va đập, giúp bảo vệ người lái và hành khách, giảm thiểu tối đa các chấn thương cho người ngồi trên ô tô khi xe va chạm mạnh.

Túi khí được lắp đặt ẩn ở một số vị trí bên trong khoang và khung xe. Khi có va chạm, ECU nhận tín hiệu từ cảm biến va chạm và điều khiển mở túi khí. Hệ thống túi khí ngay lập tức được kích hoạt, căng phồng để bảo vệ người ngồi trên ghế.

Giải mã các hệ thống an toàn trên ô tô: Túi khí SRS giúp bảo vệ người lái và hành khách khi xe va chạm mạnh. (Ảnh: Dubizzle)

Giải mã các hệ thống an toàn trên ô tô: Túi khí SRS giúp bảo vệ người lái và hành khách khi xe va chạm mạnh. (Ảnh: Dubizzle)

Các dòng xe thông dụng như Hyundai i10, toyota Wigo, Kia Morning…có ít nhất 2 túi khí cho người lái và hành khách ngồi phía trên.

Các dòng xe đời mới hạng cao hơn có nhiều tùi khí hơn, chẳng hạn như túi khí rèm bên để bảo vệ đầu và cồ khi xe lật và va chạm bên hông, túi khí bảo vệ thân mình khi va chạm bên hông. Hầu hết các xe đời mới có sáu túi khí trở lên.

Các xe đời mới đều có sáu túi khí trở lên. (Ảnh: E-Itaca)

Các xe đời mới đều có sáu túi khí trở lên. (Ảnh: E-Itaca)

Hệ thống phanh chống bó cứng ABS

Hệ thống phanh chống bó cứng ABS (Anti – Lock Brake System) là hệ thống phanh điều khiển điện tử có tính năng ngăn ngừa hãm cứng bánh xe trong những tình huống khẩn cấp cần giảm tốc, tránh hiện tượng văng trượt, giúp tài xế kiểm soát hướng lái dễ dàng hơn, đảm bảo ổn định cho thân xe.

Những dòng xe không có hệ thống ABS rất dễ bị trượt do độ bám đường thấp hơn mức cho phép của bánh xe, lực truyền cho bánh xe không giúp ô tô tiến lên mà ngược lại dễ gây mất kiểm soát. 

Khi phanh trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn khi có người tạt trước đầu ô tô hoặc xe phía trước dừng đột ngột, phản ứng túc thời của người lái là nhấn bàn đạp phanh xuống sàn. Khi điều này xảy ra mà không có ABS, phanh sẽ bị khóa, bánh ngừng quay và xe bắt đầu trượt. Tùy thuộc vào trọng lượng và tốc độ, xe có thể tiếp tục trượt về phía trước khoảng 100 mét trở lên.

Hệ thống giám sát và cảnh báo điểm mù BSM

Hệ thống giám sát và cảnh báo điểm mù ô tô - Blind Spot Monitoring (BSM) có vai trò theo dõi các vị trí khuất tầm nhìn xung quanh xe và cảnh báo tài xế khi phát hiện phương tiện di chuyển trong các vùng này.

Hệ thống gồm các bộ phát sóng điện từ gắn trên gương chiếu hậu, quanh thân xe hoặc cản sau có nhiệm vụ phát ra sóng điện từ khi xe đang di chuyển. Có thể có thêm camera được đặt trên hai gương chiếu hậu.

Khi một chiếc xe phía sau hoặc bên hông tiến quá sát ô tô của bạn, bộ phát sóng điện từ sẽ nhận ra và gửi tín hiệu về bộ điều khiển. Hệ thống sẽ cảnh báo bạn bằng cách phát âm thanh, rung vô lăng và hình ảnh sẽ hiển thị lên màn hình trung tâm cho dễ quan sát. Nhiều dòng xe còn hướng dẫn cách xử lý tình huống.

Giải mã các hệ thống an toàn trên ô tô: Hệ thống cảnh báo điểm mù BSM giúp phát hiện và cảnh báo người lái khi có phương tiện di chuyển bên trong các vùng này. (Ảnh: Carcam)

Giải mã các hệ thống an toàn trên ô tô: Hệ thống cảnh báo điểm mù BSM giúp phát hiện và cảnh báo người lái khi có phương tiện di chuyển bên trong các vùng này. (Ảnh: Carcam)

Cảm biến lùi

Việc lùi đỗ xe thường khó khăn do tầm quan sát bị hạn chế. Hệ thống cảm biến đỗ xe (Parking Aid Sensor) giúp phát hiện và cảnh báo về các vật cản xung quanh, khoảng cách ước tính giữa xe và vật cản khi lùi, giúp tài xế lùi đỗ một cách an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ va chạm.

Có nhiều vị trí lắp cảm biến lùi, phổ biến nhất là cảm biến trước và cảm biến sau. Hệ thống cao cấp hơn có thêm cảm biến góc trước hay cảm biến góc sau.

Hệ thống cảm biến đỗ xe giúp phát hiện và cảnh báo về các vật cản xung quanh cũng như khoảng cách ước tính giữa xe và vật cản khi lùi. (Ảnh: DisHekimi)

Hệ thống cảm biến đỗ xe giúp phát hiện và cảnh báo về các vật cản xung quanh cũng như khoảng cách ước tính giữa xe và vật cản khi lùi. (Ảnh: DisHekimi)

Hệ thống cảnh báo lệch làn đường LDWS

Hệ thống cảnh báo chệch làn đường (Lane Departure Warning System) dựa vào camera theo dõi các vạch kẻ phân làn đường. Chức năng này có thể bị hạn chế nếu đường không có vạch kẻ làn, vạch bị mờ, bị che phủ. 

Hệ thống này hạn chế độ lệch của đường gạch đứt đoạn khi đi trên đường cao tốc có nhiều làn đường cho xe cùng một chiều. Nếu đó là đường cao tốc có hai làn đường thì thiết bị sẽ báo động khi lái xe lấn qua đường gạch đứt đoạn. Đôi khi có thể xảy ra lỗi của cảnh báo khi theo dõi làn đường ở phía bên kia, và cung cấp cảnh báo khi lấn qua đường gạch đứt đoạn.

- Cảnh báo sẽ xuất hiện khi hệ thống cảnh báo chệch làn đường LDWS phát hiện xe đang vô ý lấn qua làn đường.

- Cảnh báo xuất hiện ở bên trái hoặc bên phải của màn hình để cho biết ranh giới của làn đường nào đã bị lấn qua.

- Xe phải di chuyển với tốc độ trên 40mph (64 km/h) để hệ thống cảnh báo hoạt động.

- LDWS sẽ hiển thị trên các công cụ bản đồ.

- LDWS sẽ phát ra tiếng báo động.

- Để có hiệu suất LDWS tốt nhất, cần đảm bảo vị trí camera được cài đặt chính xác.

Camera lùi

Khi lùi xe, tài xế sẽ gặp một vùng mù rất lớn ngay phía sau đuôi xe. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc lùi mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Camera lùi giúp họ quan sát toàn bộ khung cảnh phía sau xe. Góc quay của nó có thể lên đến 170 độ. Một số dòng camera lùi còn có tính năng xoay chuyển theo góc đánh lái vô lăng.

Camera lùi được đánh giá là tính năng hỗ trợ đắc lực khi lùi xe, nhất là lùi đỗ ở không gian hẹp. Nó có mặt trong hệ thống an toàn của đa số dòng xe phân khúc phổ thông

Hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng ACC

Hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng - Adaptive Cruise Control (ACC) giúp xe hoạt động ở tốc độ được người lái lựa chọn mà không cần tác động vào chân ga và giữ khoảng cách với xe phía trước, tự điều chỉnh tốc độ khi phát hiện các vật cản khác.

Hệ thống này sử dụng các cảm biến, radar phía trước xe để xác định tốc độ và khoảng cách của phương tiện phía trước, từ đó tự động điều chỉnh tốc độ, đảm bảo khoảng cách an toàn.

Khi phát hiện xe đi trước giảm tốc độ hoặc khi có vật cản khác xuất hiện, hệ thống sẽ giảm ga hoặc phanh để giảm tốc độ của xe. Sau khi khoảng cách an toàn đã được đảm bảo hoặc đường trống hơn, xe tự tăng tốc trở lại.

Ngày nay, hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng thường được tích hợp với hệ thống cảnh báo va chạm, sử dụng chung các cảm biến.

Camera 360 độ

Xung quanh xe luôn có nhiều vùng mà người lái không thể quan sát. Camera 360 độ giúp họ quan sát toàn cảnh xung quanh xe, loại bỏ những góc khuất, điểm mù, chủ động tránh những tình huống va quẹt, nhất là khi lái xe hay lùi đỗ trong không gian hẹp.

Hệ thống khởi hành ngang dốc HAC

Hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc (Hill-start Assist Control) giúp cho việc khởi động xe khi dừng đỗ trên đường dốc được dễ dàng, tránh tình trạng xe bị trượt dốc, va chạm với các xe khác.

Trường hợp xe đang di chuyển trên đường đèo, hay dốc cầu, đường đông khiến xe phải dừng chờ lâu, người lái cần đạp phanh chân để giữ xe không bị trôi tụt ra sau. Khi di chuyển, tài xế nhả chân phanh ra và phải chuyển thật nhanh sang chân ga nếu không muốn xe bị trôi dốc, va chạm với các xe san sát phía sau.

Hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc có tác dụng tác động vào hệ thống phanh của xe, giữ chân phanh trong khoảng 3 giây sau khi tài xế nhả chân phanh, đủ thời gian để chuyển sang chân ga và di chuyển bình thường. Như vậy, xe sẽ không bị tụt dốc, đảm bảo việc di chuyển an toàn.

Hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc ngày càng được trang bị trên nhiều dòng xe, ngay cả các dòng xe hạng B có giá 500-600 triệu đồng, giúp cho việc lái xe được thoải mái, an toàn hơn.

Hệ thống hỗ trợ đổ đèo HDC

Hệ thống hỗ trợ xuống dốc, đổ đèo HDC (Hill Descent Control) hay DHAC (Down Hill Assist Control) giúp kiểm soát tốc độ xe khi chạy xuống đèo dốc, hạn chế tình trạng tài xế rà phanh liên tục gây nóng má phanh, sôi dầu phanh khiến xe bị bó cứng phanh, thậm chí mất phanh. 

HDC sử dụng chung cơ cấu chấp hành với nhiều hệ thống an toàn khác như chống bó cứng phanh ABS, hệ thống kiểm soát lực kéo TCS… nhằm điều chỉnh phanh và mô men động cơ để điều chỉnh tốc độ ở từng bánh xe.

Nút hệ thống hỗ trợ xuống dốc thường được bố trí trên taplo, vô lăng hoặc bệ cần số. Khi xuống dốc, tài xế chỉ cần nhấn nút bấm để kích hoạt tính năng này. Các cảm biến góc nghiêng xe sẽ truyền tín hiệu về bộ xử lý. Bộ xử lý trung tâm tính toán và ra lệnh can thiệp vào hệ thống phanh, hệ thống phân bổ mô men xoắn để điều chỉnh tốc độ xe phù hợp với độ nghiêng của mặt đường. 

Giải mã các hệ thống an toàn trên ô tô: Hệ thống HDC giúp kiểm soát tốc độ xe khi chạy xuống đèo dốc. (Ảnh: OTO HUI NEWS)

Giải mã các hệ thống an toàn trên ô tô: Hệ thống HDC giúp kiểm soát tốc độ xe khi chạy xuống đèo dốc. (Ảnh: OTO HUI NEWS)

Hệ thống phanh tay điện tử

Với phanh tay cơ truyền thống, nhiều trường hợp người lái quên kéo phanh tay trước khi xuống xe, khiến xe bị trôi tự do; hoặc quên nhả phanh tay trước khi khởi hành. Hệ thống phanh tay điện tử EPB (Electronic Parking Brake) giúp xe tự động áp dụng phanh tay khi cần số chuyển về P và tự động nhả phanh khi xe chạy. 

Hệ thống giữ phanh tự động

Trong các tình huống cần tạm dừng xe như chờ đèn đỏ, đợi đón/trả khách, để xe không bị trôi, tài xế buộc phải đạp phanh liên tục, khá bất tiện. Hệ thống giữa phanh tự động (Auto Hold) giúp xe tự động giữ phanh trong các tình huống này. Người lái chỉ cần kích hoạt Auto Hold là có thể rời chân khỏi bàn đạp phanh, tranh thủ thư giãn chân. Hệ thống này thường đi cùng với phanh tay điện tử.

Hệ thống giữ phanh tự động giúp xe tự động giữ phanh khi được kích hoạt. (Ảnh: Dream.co)

Hệ thống giữ phanh tự động giúp xe tự động giữ phanh khi được kích hoạt. (Ảnh: Dream.co)

Hệ thống cảnh báo áp suất lốp

Tình trạng lốp ảnh hưởng rất lớn đến độ an toàn khi xe di chuyển. Lốp xe non hơi sẽ rất dễ bị thủng lốp, thậm chí nổ lốp… Hệ thống cảnh báo áp suất lốp giúp theo dõi và cảnh báo khi áp suất lốp không đạt yêu cầu, giúp người lái xử lý kịp thời, tránh các rủi ro khi di chuyển trên đường.

Nguyệt Ánh(Tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các hệ thống an toàn trên ô tô sử dụng thế nào?