Các nghệ nhân dân gian trong công cuộc gìn giữ và phát triển làn điệu dân ca truyền thống là then chốt để gìn giữ di sản tinh thần quý giá này.
Yên Bái có trên 30 dân tộc anh em sinh sống, nơi lưu giữ nhiều làn điệu dân ca quý giá và độc đáo. Những làn điệu dân ca là di sản tinh thần quý giá của cộng đồng, cầu nối gắn kết con người với cội nguồn và truyền thống.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, việc bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc dân gian đang đứng trước nhiều thách thức. Những nỗ lực và sáng tạo của các nghệ nhân luôn là nguồn động lực quan trọng.
Những làn điệu dân ca mang trong mình sức sống và di sản tinh thần quý giá của cộng đồng. |
Nhắc đến hát Khắp, hát Cọi, hát Quan Làng, hát Phựt… những làn điệu dân ca của người Tày không thể không nhắc tới nghệ nhân ưu tú Hoàng Tương Lai (huyện Yên Bình). Ông đã dày công nghiên cứu, sưu tầm và phát triển những làn điệu dân ca của người Tày nói chung, người Tày ở Yên Bình nói riêng.
Ở tuổi xưa nay hiếm, nghệ nhân Hoàng Tương Lai không còn nhiều sức để đi khắp vùng Đông Hồ sưu tầm các làn điệu dân ca, những lời ca cổ như lúc còn trẻ, nhưng mỗi lần nói đến hát Khắp, hát Cọi, hát Phựt, hát Quan Làng… là ánh mắt của ông lại sáng lên, giọng nói bỗng mạnh hơn, ông chìm đắm vào thế giới của những điệu dân ca ấy.
Ông bảo, ngày xưa các cụ nói lời yêu ý nhị, chữ nghĩa lắm, nó cho ta cả bầu trời văn học trong mỗi câu hát, qua đó ta học được nhiều điều lắm từ sự ung dung tự tại, làm giàu tâm hồn mình bằng chất thơ đẹp đẽ…
Nghệ nhân Hoàng Tương Lai truyền dạy các làn điệu dân ca tới thế hệ trẻ. |
Ông cũng dày công sưu tầm, dịch thuật, giới thiệu các làn điệu của dân tộc Tày trong những trang sách. Xen trong mỗi câu chuyện về những làn điệu dân ca là những câu chuyện về cuộc đời ông, về hành trình sưu tầm những lời cổ, những làn điệu cổ của người Tày.
“Từ nhỏ tôi đã được nghe mẹ hát ru Tày, nghe Cọi, nghe Khắp rồi hát Quan làng trong đám cưới. Lớn lên, những giai điệu đó đã ngấm vào tâm trí rồi tôi tập hát, học từ các cụ cao tuổi và qua các kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện, của tỉnh, liên hoan hát dân ca toàn quốc. Tôi cũng đã đoạt nhiều giải cao. Thấy thế vẫn chưa đủ tôi dành công sức, tâm trí sưu tầm dịch thuật giới thiệu các làn điệu dân ca của dân tộc Tày”, Ông Lai tâm huyết kể.
Những cuốn sách của ông như: Hát quan làng trong đám cưới của dân tộc Tày vùng sông Chảy; Đường kết bạn tình (Tàng pây kết chụ) hát giao duyên Cọi, Khắp Tày vùng sông Chảy… và còn nhiều lắm những bản chép tay quý giá nữa. Là nghệ nhân ưu tú, là người nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian, ông luôn đau đáu trăn trở tiếc nuối những việc chưa làm được.
Ông chia sẻ: “Đối với hát quan làng trong đám cưới: Những lời hay ý đẹp về giáo dục đạo đức làm người được chuyển tải trong lời hát; về nỗi vất vả cực nhọc của người mẹ, khi sinh con... Tuy nhiên, ngày nay, do điều kiện hai bên nhà trai nhà gái chỉ tổ chức cưới đón dâu trong vòng buổi sáng nhiều nơi đã không còn hát Quan làng nữa. Số người hiểu được và hát được các làn điệu dân ca Tày trong vùng như Khắp, Cọi, Quan làng, Khảm hải hay Phong sjư ngày nay đang dần vơi đi. Vì lớp trẻ ngày nay hầu như không còn biết tiếng mẹ đẻ của mình nữa... khiến tôi rất đau lòng”.
Với những trăn trở ấy, ông được sự giúp đỡ tạo điều kiện về kinh phí của tỉnh và huyện đã mở lớp truyền dạy cho 31 cháu trong năm 2023. Năm 2024 ông tiếp tục mở lớp nữa cho các cháu học sinh trong dịp hè; biên soạn xong cuốn “Sjon cảng Tày” (dạy nói Tày) được nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên ấn hành năm 2023, với mong muốn người trẻ hiểu và yêu mến tiếng nói, các làn điệu dân ca cùng những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Ông luôn mong muốn quảng bá giới thiệu để thế hệ trẻ hiểu biết được những giá trị tốt đẹp, ý nghĩa của các làn điệu dân ca Tày và để phục vụ phát triển du lịch, để du khách đến với Yên Bái, đến với Hồ Thác Bà không phải chỉ để thưởng thức đặc sản danh thắng, đặc sản ẩm thực mà được thưởng thức những giai điệu mượt mà, những “đặc sản” về văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.
Một đời say mê các làn điệu dân gian
Cũng giống như nghệ nhân Hoàng Tương Lai, nghệ nhân Điêu Thị Xiêng ở thị xã Nghĩa Lộ cũng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ văn hoá truyền thống. Sự am hiểu của bà đang là vốn quý trong công tác bảo tồn văn hoá ở Nghĩa Lộ.
Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng (thứ 2 bên phải sang) với nhiều đóng góp cho các làn điệu dân ca. |
Dù tuổi cao nhưng khi nói về văn hóa Thái, về những làn điệu dân ca, điệu xoè Thái thì sự nhiệt huyết của bà vẫn còn vẹn nguyên như ngày nào. Trong mỗi lần trò chuyện bà luôn bắt đầu từ niềm tự hào vì được sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Thái đen, nên ngay từ nhỏ đã được chìm đắm trong các làn điệu dân ca và các điệu xòe cũng như các phong tục truyền thống của dân tộc mình.
“Từ lúc được 8, 9 tuổi tôi đã yêu thích và thường theo các mẹ, các bà học các làn điệu khắp, các bài xòe, các bài khắp cổ và giai điệu như giai điệu “Hăn nê”, “Nả lảu” (tức hát xướng đông người), khắp sư, khắp báo sao; học thổi Pí cùng bố tôi và đặc biệt đã được bác Lò Văn Biến - Nghệ nhân Ưu tú truyền dạy 6 điệu xoè cổ” – Bà hào hứng kể.
Với bà, những điệu xòe với những điệu khắp trữ tình, các điệu khèn, điệu pí... lúc sôi nổi, lúc lại gần gũi đậm tình như hơi thở của cuộc sống. Có khi lại biến hóa không ngừng, hài hòa giữa tay, chân, hình thể, khuôn mặt, kết hợp với nhạc cụ đã ăn sâu vào trái tim bà.
Với nghệ nhân Điêu Thị Xiêng các làn điệu dân ca là hơi thở, là cuộc sống. |
Rất nhiều các lứa học sinh ở thị xã Nghĩa Lộ được bà truyền dạy những làn điệu dân ca dân tộc Thái. Đặc biệt năm 2021 bà chuyển nhượng quyền sử dụng tư liệu đưa vào tài liệu giáo dục địa phương lớp 2 của tỉnh Yên Bái với tác phẩm lời bài dân ca “Rủ nhau đi học”.
Bà chia sẻ: “Với trách nhiệm của bản thân tôi sẽ tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca và điệu xoè truyền thống của dân tộc Thái. Tôi và các nghệ nhân, những người am hiểu, yêu thích những làn điệu dân ca, và điệu xòe Thái Nghĩa Lộ sẽ tiếp tục, xây dựng bài giảng các điệu xòe, truyền dạy xòe Thái trong cộng đồng dân cư, đặc biệt sẽ tiếp tục truyền cho mọi người trong làng bản, nhất là thế hệ trẻ, học sinh hoặc bất kể ai có nguyện vọng muốn học, dù chỉ là một người tôi cũng dạy”.