BEBOP-1 là hệ sao kép đa hành tinh thứ hai được xác nhận. Hệ đầu tiên là Kepler 47 được phát hiện vào năm 2012 và có 3 hành tinh.
Trước đây, những hành tinh quỹ đạo kép được cho là cực kỳ hiếm, do sự phức tạp của lực hấp dẫn khiến nhiều kịch bản có thể xảy ra cho quỹ đạo của những hành tinh như thế. Nhưng hàng loạt phát hiện gần đây về các hành tinh dạng này cho thấy, chúng không chỉ tồn tại mà còn phổ biến một cách đáng kinh ngạc. Theo các nghiên cứu đã biết, khoảng một nửa các sao có kích thước như Mặt Trời của chúng ta trong thiên hà Milky Way hình thành theo cặp, như vậy sẽ có hàng nghìn hành tinh quỹ đạo kép đang chờ được tìm thấy trong thiên hà của chúng ta. Các bằng chứng trước đó còn gợi ý rằng, Mặt Trời cũng có thể là một phần của một hệ sao kép trước khi Hệ Mặt Trời được hình thành.
Vào năm 2021, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra “hành tinh 3 quỹ đạo” đầu tiên là GW Orionis, khi nó di chuyển quanh 3 mặt trời trong cùng một hệ sao.
Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục làm việc với hệ BEBOP-1 để tìm hiểu thêm về cách hình thành các hành tinh quỹ đạo kép. Cũng có khả năng hệ BEBOP-1 còn nhiều hành tinh nữa đã chờ được phát hiện. Trong tương lai, nhóm hy vọng có thể sử dụng kính thiên văn không gian hiện đại nhất là James Webb để quan sát hệ sao này và tìm kiếm lời giải đáp.
Đắc Cường
Theo Livescience