Các nhà khoa học chưa từng quan sát được những sao hoàn toàn không có kim loại ban đầu, vì chúng đều đã phát nổ hoặc tắt hẳn từ rất lâu. Tuy nhiên, họ vẫn có thể quan sát phần nào tàn tích của chúng bằng việc nhìn ra xa hàng tỷ năm ánh sáng.
Sử dụng đài quan sát VLT của ESO, Stefania Salvadori ở Đại học Florence (một trong số các đồng tác giả của nghiên cứu) cùng các cộng sự đã nhìn sâu vào ba đám mây khí tạo sao ở rất xa. Thông thường, những đám mây này không mang lại được nhiều thông tin. Nhưng nhờ ánh sáng tới từ những quasar gần đó, các nhà khoa học có thể nhìn thấy những bí mật ẩn giấu trong những đám mây này. Dựa vào bước sóng của ánh sáng mà những đám mây hấp thụ, nhóm nghiên cứu xác định được những nguyên tố đã tạo thành chúng.
Rõ ràng, những đám mây xa xôi này rất nghèo kim loại nặng, nhưng lại giàu các nguyên tố như carbon, oxy và magne, cho thấy chúng là những gì còn sót lại sau cái chết của những ngôi sao đầu tiên, khi chúng phát nổ vào cuối đời - các nhà nghiên cứu cho biết. Nghiên cứu này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về nguồn gốc của các ngôi sao và giải thích được thành phần của những sao trẻ, bao gồm chính những sao đang có mặt trong Milky Way.
Bryan
Theo Livescience