Bộ Nội vụ đã nhận được 28/53 hồ sơ đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của các tỉnh, thành trên cả nước.
Liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã giai đoạn 2023- 2025, Bộ Nội vụ cho biết, đến nay, có 53 tỉnh, thành đã hoàn thiện phương án tổng thể. Trong đó, cấp huyện thực hiện sắp xếp 49 đơn vị (sau sắp xếp dự kiến giảm 12 đơn vị), cấp xã thực hiện sắp xếp 1.247 đơn vị (sau sắp xếp dự kiến giảm 624 đơn vị).
Tính đến ngày 30/6, Bộ Nội vụ đã nhận được 28/53 hồ sơ đề nghị sắp xếp của các tỉnh, thành. Trong đó, Bộ Nội vụ đã thẩm định, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, thông qua đề án của 5 địa phương. Các địa phương khác đang xây dựng , hoàn thiện đề án.
Là tỉnh đầu tiên trình Bộ Nội vụ thẩm định đề án, Sở Nội vụ Nam Định cho biết, có 2 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp (huyện Mỹ Lộc và thành phố Nam Định) và 77 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp, giảm 1 cấp huyện, 51 cấp xã sau sắp xếp.
Đáng lưu ý, tỉnh Nam Định đã ban hành chính sách đặc thù đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư. Cụ thể, nếu nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ ngày nghị quyết của UBTVQH có hiệu lực thi hành thì được hưởng mức hỗ trợ tối đa 30 tháng lương.
Về tên gọi mới sau sắp xếp được các địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất của người dân.
Tỉnh Nam Định cũng lập danh sách và dự kiến phương án, lộ trình trong từng năm để giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư, bảo đảm trong 3 năm phải hoàn thành.
Điều động dựa trên năng lực của cán bộ, công chức
Trong khi đó, Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã ở Thủ đô không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống chính trị và nhân dân, mà còn tác động đến an ninh chính trị, sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tác động đến tâm tư, tình cảm của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Theo tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, thành phố Hà Nội có 173 xã, phường, thị trấn và quận Hoàn Kiếm thuộc diện sắp xếp. Đề án tổng thể đã được HĐND thành phố thông qua, tác động đến 130 xã, phường, thị trấn của 20 quận, huyện, thị xã; sau sắp xếp, Hà Nội sẽ giảm 61 xã, phường; có 3 địa phương (huyện Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng) xây dựng đề án lên quận, thực hiện sắp xếp theo đề án xây dựng huyện lên quận.
Về phương án đặt tên mới, Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, đây là nội dung được nhân dân rất quan tâm, bởi việc đặt tên sau sắp xếp có liên quan đến các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng gắn với giá trị tinh thần, niềm tự hào của cộng đồng dân cư nơi sắp xếp.
Trong quá trình triển khai, thành phố chỉ đạo xây dựng nguyên tắc theo thứ tự ưu tiên: địa danh có yếu tố lịch sử văn hóa lâu đời; địa danh cũ; có chung đặc điểm về văn hóa; nếu không có các yếu tố trên thì ghép tên các ĐVHC cũ nhưng tên gọi mới phải đảm bảo các giá trị ngôn ngữ, có ý nghĩa và đặc điểm của địa bàn.
Về phương án bố trí, sắp xếp, phân công cán bộ, thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, có phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức thận trọng, khoa học, khách quan, có tính nhân văn.
Trên cơ sở đó sẽ dựa trên năng lực của cán bộ, công chức dôi dư để xem xét tuyển dụng, điều động hoặc luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị cấp huyện, ở địa phương khác trong thành phố theo yêu cầu nhiệm vụ.
Đối với cán bộ, công chức đủ tuổi nghỉ hưu, gần đến tuổi nghỉ hưu, thành phố cho nghỉ chế độ theo quy định pháp luật; cán bộ có nguyện vọng nghỉ công tác, chuyển công tác cũng được giải quyết kịp thời. Đồng thời, thành phố sắp xếp, điều động cán bộ đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn từ nơi thừa sang nơi thiếu trong cùng địa giới hành chính cấp huyện.
Thành phố đã ban hành Nghị quyết của HĐND thành phố, quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư nghỉ công tác khi sắp xếp. Đến nay cán bộ công chức và người hoạt động không chuyên trách ở các địa phương thực hiện sắp xếp đều thống nhất cao, chưa có đơn thư, khiếu nại, phản ánh để phản đối.