Các trường có 'nhờn luật'?

24/04/2024, 15:09
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...

Không vội “ăn xổi”

Xung quanh những hạn chế, thiếu sót của một số trường, TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, dường như còn tình trạng “nhờn luật”. Năm 2022 có 78 trường bị xử phạt hành chính liên quan đến công tác tuyển sinh, mở ngành đào tạo. Năm 2023, Bộ GD&ĐT cũng “tuýt còi”, dừng quyền tự xác định chỉ tiêu trong 5 năm với một số cơ sở do vi phạm về tuyển sinh.

“Phải chăng chế tài chưa đủ sức răn đe nên các cơ sở giáo dục đại học “phớt lờ””, TS Lê Viết Khuyến nêu vấn đề. Hiện, chúng ta có Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (Nghị định 04) và Nghị định số 127/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 04. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, nếu so sánh các mức phạt tiền trong 2 nghị định trên với lợi nhuận thu được từ mở ngành, tuyển sinh thì một số trường sẽ lựa chọn nộp phạt. Điều này cho thấy, mức xử phạt chưa đủ “mạnh” nên các trường vẫn “vượt rào”.

Nhắc lại kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT, GS.TS Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XI viện dẫn, một số trường đại học mở ngành đào tạo nhưng không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh số lượng thấp. Kịch bản này không bất ngờ và đã được nhiều người tiên lượng. Một số trường mở ngành ồ ạt, chạy theo xu thế để tuyển sinh nhưng chưa chú ý đến năng lực đào tạo, không đánh giá, khảo sát nhu cầu xã hội.

Thông thường, sau khi khảo sát bài bản, khoa học về nhu cầu của xã hội, cộng với năng lực đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm, các trường mới tiến hành mở ngành. Tuy nhiên, dường như một số trường muốn “ăn xổi” nên đi ngược nguyên lý này. Mục đích là mở được ngành, sau đó vừa đào tạo, vừa hoàn thiện các điều kiện cần và đủ - nghĩa là “nợ” tiêu chuẩn.

Với cách làm này, việc tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, thậm chí không tuyển được hoặc “đóng ngành” là điều dễ hiểu và nếu có tuyển sinh đủ chỉ tiêu cũng khó có thể bảo đảm chất lượng đào tạo. Sự phát triển này không bền vững, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nhà trường.

Từ thực trạng trên, GS.TS Nguyễn Đình Hương nhấn mạnh, mở ngành học mới phải cân nhắc kỹ lưỡng, không nên chạy theo “trend”, tránh rơi vào tình cảnh “mất cả chì lẫn chài”. Cũng cần nhấn mạnh, các trường đại học được quyền tự chủ trong tuyển sinh, mở ngành đào tạo nhưng không phải muốn làm gì thì làm.

Kể từ ngày Nghị định số 127/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục có hiệu lực (1/1/2022), khoảng 100 trường đại học bị xử phạt ở nhiều mức độ khác nhau; trong đó có phạt tiền và dừng quyền tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/cac-truong-co-nhon-luat-post680655.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/cac-truong-co-nhon-luat-post680655.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các trường có 'nhờn luật'?