"Năm 2024, nhà trường triển khai xây dựng đề án đào tạo thêm chuyên ngành thiết kế vi mạch. Khóa kỹ sư đầu tiên sẽ được tuyển sinh ngay trong năm 2024 với khoảng 50 sinh viên. Bên cạnh đó, nhà trường đang hoàn thành xây dựng đề án đào tạo trình độ thạc sĩ về IoT và vi mạch bán dẫn", PGS.TS. Phan Cao Thọ cho hay.
Sẵn sàng nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy
PGS.TS. Phan Cao Thọ chia sẻ, nhà trường tập trung rà soát cơ sở vật chất, nhân lực giảng dạy nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra. Theo đó, nhà trường sử dụng đội ngũ giảng viên cơ hữu có chuyên môn về điện tử, kỹ thuật máy tính liên quan đến lĩnh vực bán dẫn, tận dụng tối đa nguồn lực giảng viên của ĐH Đà Nẵng lĩnh vực chuyên ngành thiết kế vi mạch. Đồng thời sẽ mời các chuyên gia trình độ cao đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tư vấn, giảng dạy, bồi dưỡng, hướng dẫn thực tập doanh nghiệp...
"Để chủ động, nhà trường sẽ cử đội ngũ giảng viên tham gia các khóa tập huấn, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn sâu về công nghệ vi mạch thông qua các chương trình của thành phố, Chính phủ và các doanh nghiệp về vi mạch. Nhà trường cũng đang trong quá trình hoàn thiện dự án đầu tư vốn ODA xây dựng phòng thí nghiệm vi mạch bán dẫn và hệ thống IoT với hệ thống máy chủ, phần mềm bản quyền cho đào tạo thiết kế vi mạch, các thiết bị đo kiểm thử chip bán dẫn, hệ thống phần cứng các nền tảng IoT thế hệ mới", Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật nói.
Trong năm 2023, Đại học Đà Nẵng đã ký kết biên bản hợp tác liên minh với ĐHQG TPHCM, ĐHQG Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn. Việc hợp tác được kỳ vọng sẽ phát huy tiềm năng, thế mạnh của các trường để thống nhất kế hoạch hành động và mở rộng cùng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tăng nhanh số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn.