Năm đầu tiên đổi mới thi tốt nghiệp THPT, ngoài 2 môn bắt buộc, thí sinh được chọn 2 môn trong số các môn đã học ở trường. Trước số liệu thí sinh đăng ký dự thi từng môn mà Bộ GD-ĐT đã công bố, nhiều trường ĐH dự kiến điều chỉnh tổ hợp môn xét tuyển.
2025 là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Do đó, số liệu thí sinh (TS) đăng ký dự thi các môn tự chọn năm nay là dữ liệu các trường ĐH rất mong chờ để cân nhắc, tính toán trong việc xây dựng tổ hợp môn xét tuyển phù hợp.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, các môn khoa sinh học, hóa học tiếp tục có ít TS lựa chọn hơn so với các môn khoa học xã hội (KHXH). Xu hướng này không mới khi năm ngoái cũng có tới 63% thí sinh đăng ký bài thi KHXH và chỉ 37% đăng ký thi bài khoa học tự nhiên (KHTN).
Trước xu thế này, thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), đánh giá: "Số TS chọn các môn liên quan đến tổ hợp môn KHXH chiếm gần như áp đảo so với tổ hợp môn KHTN. Điều này cho thấy định hướng lựa chọn nghề nghiệp của các em năm nay hướng nhiều về các ngành như truyền thông, kinh tế, luật, xã hội, quản trị…".
Thạc sĩ Tiến nhấn mạnh: "Một điểm đáng lưu ý là số TS đăng ký thi môn sinh học năm 2025 giảm mạnh, từ 342.388 TS năm 2024 giảm xuống chỉ còn 72.669 TS. Điều này dẫn đến năm nay các tổ hợp xét tuyển có môn sinh học như khối B (toán - hóa - sinh) sẽ bị giảm số lượng TS đáng kể".
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho hay: "Nhìn một cách tổng thể, các trường ĐH cũng thấy không quá lo lắng. Số môn thi TS đăng ký ít chỉ nằm trong một số lĩnh vực hẹp, ví dụ như môn sinh - môn bắt buộc của các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, khoa học sự sống. Tin học và công nghệ là môn mới, các trường ĐH sử dụng để mở rộng tổ hợp xét tuyển. Còn các môn chính cũng khá đủ, ngay cả môn lịch sử và địa lý cũng có thể sử dụng cho khối ngành kinh tế dịch vụ".
Trước số liệu TS đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm nay, đại diện một số trường ĐH dự kiến điều chỉnh, bổ sung tổ hợp môn xét tuyển phù hợp hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cho rằng sau khi có thống kê cụ thể TS đăng ký dự thi tốt nghiệp từng môn, các trường ĐH sẽ thực hiện rà soát lại tổ hợp xét tuyển để vừa đảm bảo tuyển đủ người học có năng lực, vừa tạo cơ hội để TS dự thi được tham gia xét tuyển. Ví dụ, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có thể rà soát để bổ sung tổ hợp xét tuyển có môn giáo dục kinh tế và pháp luật cho các ngành khối công nghệ kỹ thuật.
"Giáo dục kinh tế và pháp luật là môn học trang bị kiến thức tổng quan về kinh tế, pháp luật cho người học mà lĩnh vực ngành nghề nào cũng cần, không chỉ với các ngành KHXH hay kinh tế. Do đó, sau khi xem lại chương trình đào tạo của môn học này ở bậc THPT, nhà trường dự kiến bổ sung môn này trong số các môn lựa chọn cho TS xét tuyển vào khối ngành công nghệ kỹ thuật", Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nói thêm.
Chưa đưa ra định hướng cụ thể nhưng tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cũng thông tin trường đang nghiên cứu để điều chỉnh tổ hợp môn một số ngành và nhóm ngành cho phù hợp hơn.
Thạc sĩ Cù Xuân Tiến cho biết Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) xét tuyển 6 tổ hợp môn áp dụng cho tất cả các ngành/chuyên ngành và các phương thức năm nay. Các tổ hợp cụ thể gồm: toán - lý - hóa (A00), toán - tiếng Anh - văn (D01), toán - tiếng Anh - lý (A01), toán - tiếng Anh - hóa (D07), toán - tiếng Anh - tin học (X26), toán - tiếng Anh - giáo dục kinh tế và pháp luật (X25).
"Với số liệu đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm nay thì đây là một tín hiệu rất tốt cho trường. Bởi đa số các môn trong 6 tổ hợp xét tuyển vào trường đều có số lượng đăng ký tăng. Đặc biệt là môn giáo dục kinh tế và pháp luật có nhiều TS đăng ký giúp trường có nguồn tuyển phong phú phù hợp với các lĩnh vực mà trường đang đào tạo là kinh tế, kinh doanh và pháp luật", Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhìn nhận.
Trong khi đó, thạc sĩ Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng: "Tỷ lệ TS chọn các môn KHTN thấp hơn so với các môn KHXH trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có một số ảnh hưởng nhất định đến xét tuyển các ngành khoa học cơ bản. Theo đó, nguồn TS tiềm năng bị giới hạn, sự cạnh tranh tuyển sinh giữa các trường cùng đào tạo lĩnh vực này và nguy cơ có thể giảm điểm trúng tuyển so với các năm trước".
Tuy nhiên, thạc sĩ Tú cho biết để hạn chế những tác động trên, nhà trường cũng đã dự kiến những điều chỉnh trong cách thức xét tuyển và tiếp cận TS như tăng cường các tổ hợp môn linh hoạt để TS dễ lựa chọn mà vẫn bảo đảm yêu cầu năng lực của người học. Đồng thời, duy trì các phương thức xét tuyển khác bên cạnh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT và xây dựng chính sách học bổng khuyến khích TS tiềm năng đối với các ngành khoa học cơ bản.
Về các tổ hợp xét tuyển linh hoạt, thạc sĩ Tú cho biết năm nay trường có sử dụng các tổ hợp môn mới (có sự kết hợp giữa các môn thi KHTN và KHXH) cho các ngành đào tạo có tính liên ngành và tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Ví dụ, ngành hải dương học không chỉ nghiên cứu các quá trình vật lý, hóa học trong đại dương mà còn liên quan đến quản lý tài nguyên biển, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Những vấn đề này gắn chặt với lịch sử phát triển của các vùng ven biển, văn hóa cộng đồng địa phương và các chính sách kinh tế - xã hội. Tương tự, ngành khoa học môi trường đòi hỏi sinh viên hiểu rõ bối cảnh lịch sử và địa lý để đánh giá tác động môi trường và đề xuất các giải pháp bền vững.