Từ thành công của Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - nhấn mạnh, nhà trường luôn mong muốn sử dụng kết quả kỳ thi này làm nền tảng trong tuyển sinh. Tuy nhiên, nhà trường vẫn xét đến yếu tố đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, nhất là những em không có điều kiện tiếp cận với Kỳ thi đánh giá tư duy của trường. Tuy nhiên, đến thời điểm nào đó, thí sinh có thể sẽ phải chấp nhận nhà trường hoàn toàn dành chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển tư duy.
GS.TS Trần Thị Vân Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) - trao đổi: Năm 2023, nhà trường dự kiến áp dụng nhiều phương thức trong xét tuyển. Chủ trương này nhằm mở rộng cơ hội cho các học sinh khác nhau; đồng thời thực hiện sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế phát triển. Trong các phương thức xét tuyển, điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn được nhà trường sử dụng để xét tuyển cùng với các tiêu chí khác như: Điểm trung bình học THPT, IELTS…
Trước đó, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân công bố Đề án tuyển sinh năm 2022. Trong đó, nhà trường lưu ý: Dự kiến năm 2023 sẽ không tuyển sinh theo phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và các phương thức khác. Chỉ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp/xét tuyển sớm với 100% chỉ tiêu sau khi trừ đi số thí sinh diện tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học - năm học 2022 - 2023 là hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023. Đồng thời, xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh từ năm 2025. Trong đó, đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.
Với các cơ sở đào tạo có ngành đào tạo giáo viên, Bộ GD&ĐT lưu ý, cần chủ động làm việc với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai hiệu quả Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ, quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa năng lực đào tạo, bồi dưỡng với yêu cầu về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Qua đó, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ GD&ĐT đề nghị, cơ sở đào tạo cần xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.