Cách nào cải tiến đánh giá với giáo dục Đại học?

17/12/2023, 06:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Lựa chọn hình thức đánh giá phù hợp mục tiêu của người học và giúp người dạy cải thiện giảng dạy là vấn đề đặt ra với GD đại học hiện nay...

Cải tiến, nâng cao chất lượng hình thức đánh giá

Nâng cao chất lượng đánh giá học tập ở đại học, theo TS Lê Thị Lan Anh, cần có sự bồi dưỡng vai trò, ý nghĩa của đánh giá trong giáo dục và dạy học; tập huấn gắn với thực hành, phân tích trên kết quả sản phẩm (đề cương chi tiết, ngân hàng đề). Tất cả công tác phát triển chương trình cần liên tục cập nhật xuất phát từ nhu cầu thực tiễn nhà tuyển dụng, xã hội ở tầm nhìn 5 - 10 năm (không nên quá ngắn và dài).

“Việc đổi mới này trường tôi đã thực hiện và có tác động tích cực với công tác kiểm tra, đánh giá, làm mới, chỉnh sửa đề cương chi tiết học phần, ngân hàng đề thi của giảng viên”, TS Lê Thị Lan Anh chia sẻ.

Từ thực trạng đánh giá người học ở giáo dục đại học, theo cô Nguyễn Thị Phong Lê, vấn đề đặt ra là cần cải tiến, nâng cao chất lượng hình thức đánh giá. Những thông tin thu được từ hoạt động đánh giá cho phép người dạy - học đưa ra quyết định liên quan đến mục tiêu học tập.

Vì vậy, đánh giá học tập cần đảm bảo chất lượng, tức là cần có độ tin cậy (những thông tin thu được giúp người dạy hỗ trợ kịp thời người học thực hiện mục tiêu học tập) và hợp lệ (phản ánh sự chính xác, khách quan của hoạt động đánh giá đối với kết quả học tập của người học).

Độ tin cậy của hoạt động đánh giá phản ánh chính xác kết quả thông tin phản hồi đánh giá. Thông qua số lượng, sự đa dạng câu hỏi, tính rõ ràng, minh bạch ngôn ngữ sử dụng trong bài kiểm tra giúp người học tin tưởng hơn vào quá trình đánh giá của người dạy; đồng thời kích thích họ phát huy năng lực nội tại vốn có để đạt được mục tiêu học tập theo chuẩn thời gian mong muốn. Có thể thực hiện theo hình thức đánh giá cá nhân, tập thể... nhưng cần đảm bảo tính công bằng, chính xác và khách quan với người học trong quá trình học tập.

Đối với những đánh giá về kiến thức vận dụng, thực hành của người học (thông qua bài tập lớn, dự án, viết tóm tắt, đánh giá một vấn đề...), người dạy có thể thực hiện theo hình thức đánh giá đồng đẳng, nhóm để đo lường kết quả thực hiện của người học. Trong môi trường giáo dục đại học, học và làm việc theo nhóm là một trong những yêu cầu mang tính bắt buộc đối với người học. Với hình thức dự án học tập (project), người học phải tự hòa nhập với môi trường làm việc cộng đồng, tham gia và phát triển kiến thức cá nhân thành kiến thức tập thể.

“Đây được xem là thách thức không nhỏ với một số người học yếu hoặc thiếu kỹ năng làm việc nhóm và cũng là yếu tố tác động đến thành tích học tập của người học.

Người học sẽ có cảm giác không công bằng trong đánh giá của người dạy khi quá trình làm việc không được ghi chép cẩn thận (không có nhật ký làm việc), thiếu ý thức làm việc (tinh thần, thái độ, trách nhiệm làm việc của cá nhân) làm ảnh hưởng đến kết quả của cả nhóm hoặc bất công trong phân chia công việc ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc... Với kiểu đánh giá này, người dạy cần xây dựng bộ công cụ theo tiêu chí về mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của người học”, cô Nguyễn Thị Phong Lê gợi ý.

Ở Việt Nam, các hình thức đánh giá như trắc nghiệm khách quan hay tự luận mặc dù có thể xem xét được sự hiểu biết, kết quả lĩnh hội nhưng khó kiểm tra được mức độ thành công của người học khi vận dụng kiến thức đã học vào những tình huống thật, gần với cuộc sống. Các trường đại học phải giúp sinh viên phát triển kỹ năng, năng lực trong cuộc sống, bối cảnh thực, chứ không phải bằng giấy bút như hiện nay.

TS Nguyễn Thanh Tú

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/cach-nao-cai-tien-danh-gia-voi-giao-duc-dai-hoc-post665038.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/cach-nao-cai-tien-danh-gia-voi-giao-duc-dai-hoc-post665038.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách nào cải tiến đánh giá với giáo dục Đại học?