Cách ôn thi tốt nghiệp THPT hiệu quả cao

Hiếu Nguyễn (ghi) | 20/04/2022, 06:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Những thầy cô dày dặn kinh nghiệm ôn tập thi tốt nghiệp THPT chia sẻ lời khuyên bổ ích, giúp thí sinh có hành trang tốt nhất trước kỳ thi quan trọng sắp tới.

Thầy Ngô Văn Toản.Thầy Ngô Văn Toản.

Thầy Trần Liên Quang – giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp: Đọc kỹ ngữ liệu, xác định hình ảnh, từ ngữ quan trọng

Thầy Trần Liên Quang.

Bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn bao gồm 2 phần chính: Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm).

Đối với phần Đọc hiểu: Khi ôn luyện, HS cần luyện tập đầy đủ các dạng câu hỏi đọc hiểu thường thấy. Các câu hỏi đọc hiểu được sắp xếp từ dễ đến khó, theo các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Ở mức độ nhận biết, HS cần chú ý các câu hỏi yêu cầu tái hiện thông tin trong ngữ liệu, câu hỏi nhận diện như: Phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận, thể thơ, các biện pháp tu từ…

Mức độ thông hiểu, cần chú ý dạng câu hỏi về nội dung đoạn trích, văn bản; ý nghĩa câu nói hay hiện tượng trong ngữ liệu; hiệu quả của biện pháp tu từ, chi tiết, hình ảnh… Mức độ vận dụng, có các dạng câu hỏi yêu cầu vận dụng sự nhận biết, thông hiểu của bản thân để giải quyết, xử lý một tình huống; bày tỏ ý kiến, nhận xét, đánh giá về tư tưởng, thái độ của tác giả trong ngữ liệu; đề xuất ý kiến… Khi làm bài, HS đọc kỹ ngữ liệu; khi đọc phải chú ý và xác định những hình ảnh, từ ngữ quan trọng. HS cần xác định rõ yêu cầu của câu hỏi và trả lời trực tiếp vào vấn đề chính, viết ngắn gọn, súc tích, đầy đủ. Thời lượng hợp lý dành cho phần này khoảng 20 phút.

Phần viết đoạn văn: Trong thời gian ôn luyện, từ các đề thi trước đây và đề luyện tập, HS khái quát, hệ thống hóa thành các vấn đề xã hội cơ bản, chẳng hạn: Lòng dũng cảm, lòng tự trọng, ý chí, ước mơ, sử dụng thời gian, kỹ năng giao tiếp… Tiếp theo, tìm hiểu và soi rọi các vấn đề xã hội đã hệ thống đó với nhiều khía cạnh khác nhau để có cái nhìn đầy đủ, bao quát hơn. Việc làm này giúp HS hiểu thấu đáo vấn đề nghị luận, từ đó viết đoạn văn sâu sắc hơn, kể cả khi đề yêu cầu bàn luận vấn đề ở những khía cạnh “không ngờ đến”.

Đề bài phần này thường yêu cầu viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về một vấn đề cụ thể. Do đó, HS cần xác định chính xác vấn đề mà đề bài yêu cầu, định hình rõ khía cạnh cụ thể của bài làm, từ đó tiến hành triển khai đoạn văn đúng hướng, không lệch trọng tâm, đầy đủ các ý. HS cần viết đầy đủ mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn; vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận; kết hợp giữa lý lẽ và dẫn chứng. Dẫn chứng phải vừa đủ và tiêu biểu, tránh nêu quá nhiều dẫn chứng hoặc dẫn chứng vụn vặt, không điển hình cho vấn đề bàn luận. Tránh lối viết đoạn văn như cách thức, kết cấu của một bài văn. Thời lượng hợp lý cho phần này khoảng 20 phút.

Bài nghị luận văn học: HS phải củng cố kiến thức trọng tâm về cách thức làm bài với từng dạng bài cụ thể (nghị luận về bài thơ, đoạn thơ hay nghị luận về tác phẩm, đoạn trích văn xuôi…). Với kiến thức trọng tâm của tác phẩm, HS hệ thống hóa kiến thức theo sơ đồ tư duy, hoặc ôn tập theo chủ đề, theo thể loại. Cần tham khảo các bản Hướng dẫn chấm (đáp án) từ các đề thi chính thức những năm qua của Bộ GD&ĐT.

Khi làm bài, HS tránh lỗi “sơ đẳng” thường mắc phải như: Diễn xuôi lại nội dung tác phẩm, viết tách biệt nội dung và hình thức, chỉ lý luận suông mà ít dẫn chứng... Mặt khác, muốn bài viết có chiều sâu, sáng tạo, cần có cách diễn đạt mới mẻ, biết liên hệ để chỉ ra điểm tương đồng giữa các tác phẩm và nét khác biệt làm nên dấu ấn phong cách của tác giả; biết vận dụng kiến thức lý luận văn học để lý giải vấn đề nghị luận. Về hình thức, bài văn phải bảo đảm cấu trúc, phân đoạn hợp lý, trích dẫn rõ ràng, chính xác, chữ viết, cách trình bày phải sạch đẹp. Thời lượng hợp lý cho phần này khoảng 80 phút.

Thầy Ngô Văn Toản, giáo viên Toán, Trường THPT Ban Mai - Hà Đông (Hà Nội): Đa dạng hóa hình thức học và ôn tập

Để học, ôn tập môn Toán hiệu quả, HS cần kế hoạch học tập rõ ràng, chia nhỏ thời gian trong ngày phù hợp với các môn sẽ chọn thi tốt nghiệp THPT; nghiên cứu kỹ các đề thi tốt nghiệp THPT năm trước, đề tham khảo và đề thi thử của các trường uy tín, các sở GD&ĐT; tham khảo thầy cô hoặc thông tin trên mạng để biết được nội dung, mức độ của mỗi chủ đề xuất hiện trong đề thi… Dịch bệnh phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả học tập, ôn thi, vì vậy việc đa dạng hóa hình thức học tập (như xem video, xem bài giải mẫu, đặc biệt là tự học, tự nghiên cứu…) sẽ quyết định hiệu quả học tập của HS lớp 12. Một số các chủ đề với môn Toán cần chú ý như sau:

Chủ đề 1: Ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị hàm số - khoảng 10 câu hỏi, phần lớn là mức độ nhận biết, thông hiểu. HS nắm chắc nội dung liên quan đến tính đơn điệu của hàm số, cực trị của hàm số, tiệm cận của đồ thị hàm số, kỹ năng đọc thông tin từ đồ thị và bảng biến thiên của hàm số; kỹ năng biến đổi, giải phương trình, bất phương trình; xét dấu hay tìm giới hạn hàm số cũng rất quan trọng. Liên quan đến hàm hợp, kỹ năng biến đổi đồ thị là những bài toán hay thường xuất hiện trong đề thi ở mức độ khó.

Chủ đề 2: Hàm số lũy thừa - Hàm số mũ - Hàm số lôgarit có khoảng 8 câu hỏi, phần lớn ở mức độ nhận biết, thông hiểu. HS cần nắm vững kiến thức liên quan đến biến đổi lôgarit, mũ và đồ thị của các hàm số mũ, lôgarit. Cần cẩn thận trong giải các bài toán liên quan đến phương trình và bất phương trình mũ, lôgarit. Liên quan đến đồ thị hàm số, phương trình, bất phương trình mũ có sử dụng phương pháp hàm số là những bài toán hay, thú vị thường xuất hiện trong đề thi; trong đó có những bài toán liên quan đến thực tiễn như lãi suất hay tốc độ tăng trưởng, tăng lương…

Chủ đề 3: Nguyên hàm - tích phân và ứng dụng. Đây là chủ đề hay, có nhiều bài toán mới lạ. Theo phân tích, chủ đề này có khoảng 8 câu trong đề thi phân bố ở đủ các mức độ. HS phải hiểu, biết vận dụng mới giải quyết được câu hỏi thuộc chủ đề này. Ứng dụng tích phân trong giải quyết các bài toán thực tiễn cũng được khai thác. Chủ đề khó thường liên quan đến tích phân hàm ẩn, tính chất đặc biệt của tích phân hay sử dụng tích phân để tính thể tích một khối.

Chủ đề 4: Số phức, thường có khoảng 6 câu trong đề thi tốt nghiệp THPT. Các câu hỏi chủ yếu ở mức độ nhận biết và vận dụng. HS nắm chắc khái niệm số phức, các phép toán số phức và kỹ năng giải phương trình, hệ phương trình kết hợp sự hỗ trợ của máy tính bỏ túi thì làm được phần lớn câu hỏi thuộc chủ đề này. Liên quan đến số phức chứa đựng yếu tố hình học phẳng hoặc bất đẳng thức là những bài toán tương đối khó. Để giải quyết các bài toán dạng này cần kiến thức khá tốt liên quan đến hình học phẳng, phương pháp tọa độ trong mặt phẳng và cả bất đẳng thức đại số cũng như bất đẳng thức hình học.

Chủ đề 5: Khối đa diện là chủ đề tương đối khó với HS, có khoảng 4 câu hỏi. Số câu hỏi thường trải đủ 4 mức độ. HS cần nắm chắc các kiến thức về góc, khoảng cách về quan hệ vuông góc ở lớp 11; các kỹ năng dựng thêm hình, tách và ghép hình; năng lực tưởng tượng không gian, vẽ hình cũng ảnh hưởng đến hiệu quả làm bài thi. Đặc biệt, HS cần nhớ những mô hình, những công thức đặc biệt để giải quyết các bài toán không thường xuyên gặp.

Chủ đề 6: Phương pháp tọa độ trong không gian (hình Oxyz) có khoảng 8 câu hỏi với đủ 4 mức độ. Câu thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu thường là xác định các yếu tố của mặt phẳng, đường thẳng, mặt cầu… Câu hỏi mức độ vận dụng cao thường rơi vào các bài tập liên quan đến cực trị hình học. HS cần nắm vững kiến thức hình học không gian cũng như kiến thức liên quan đến bất đẳng thức lớp 10.

Chủ đề 7: Cấp số cộng - Cấp số nhân, đây là một nội dung kiến thức trong chương trình lớp 11 và thường có 1 câu trong đề. HS chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản có thể làm được câu này.

Chủ đề 8: Tổ hợp - Xác suất, thuộc nội dung kiến thức lớp 11. Các câu hỏi thường được ra ở các mức độ: Nhận biết gồm câu liên quan đến các công thức tổ hợp, hoán vị, chỉnh hợp); vận dụng gồm câu liên quan đến bài toán sắp xếp vị trí, phân chia công việc, tính xác suất theo định nghĩa. Trong chủ đề này, HS cần nắm vững, phân biệt được các khái niệm như hoán vị, tổ hợp, chỉnh hợp và biết kết hợp chúng để làm tốt các bài toán đếm.

Chủ đề 9: Quan hệ vuông góc trong không gian. Chủ đề này liên quan chặt chẽ đến nội dung khối đa diện trong chương trình lớp 12 với các dạng bài thường gặp như tính góc và khoảng cách ở mức độ thông hiểu, vận dụng. Để làm được, HS cần nhớ cách làm của từng dạng bài và luyện tập với các bài toán ở các mô hình không gian thường gặp.

Cô Trần Thị Quỳnh (đeo kính) cùng học trò.

Cô Trần Thị Quỳnh – giáo viên môn Sinh, Trường THPT Lục Nam, Bắc Giang: Rèn tâm lý thật tốt thông qua việc luyện đề

Một trong những điều dẫn tới những kết quả không mong muốn trong kỳ thi chính là vấn đề tâm lý. Do đó, ở giai đoạn nước rút, HS cần rèn cho mình tâm lý thật tốt thông qua việc luyện đề.

Dù làm đề ở nhà trực tiếp hay online, các em hãy hẹn giờ và rút ngắn thời gian làm bài. Ví dụ, với môn Lý, Hóa, Sinh chỉ bấm thời gian khoảng 40 - 45 phút và ép mình làm trong khoảng thời gian ấy để tăng tốc độ làm bài cũng như rèn phản xạ. Hay với môn Toán, chỉ đặt giờtrong 75 - 80 phút. Nhờ vậy, khi đi thi các em sẽ chủ động được thời gian và tốc độ làm bài cũng nhanh hơn.

Chiến lược làm bài trong phòng thi: Các câu hỏi trong đề thi thường từ mức độ cơ bản đến nâng cao. Do đó, trước khi làm bài, HS cần dành 2 phút để đọc lướt đề; đánh dấu lại câu khó để làm sau; khi đã làm chắc chắn những câu dễ mới quay trở lại làm câu khó.

Khi đọc đề, đọc đến đâu thí sinh gạch chân các từ quan trọng đến đó để tránh bị lừa, đặc biệt là các đơn vị. Mắt nhìn đề, tay gạch chân từ quan trọng, đầu hình dung ra cách giải bài sẽ giúp tiết kiệm thời gian. Với câu dễ, ít cần tính toán, nên giải luôn vào đề để không mất thời gian chuyển sang giấy nháp.

Cố gắng làm câu dễ thật nhanh, sau đó soát lại thêm một lần nữa. Thường câu dễ sẽ nằm ở 30 câu đầu đối với Lý, Hóa, Sinh và 35 câu đầu đối với Toán. Hãy chắc chắn mình đã làm được 70% mục tiêu đề ra trong khoảng 1/2 thời gian đầu. Khi ấy, các em mới có đủ tự tin để chiến đấu tiếp 30% còn lại. Trong thời gian làm bài, nếu cảm thấy căng thẳng, nên dừng lại hít thở thật sâu để lấy lại sự bình tĩnh.

Không nên quá phụ thuộc vào máy tính cầm tay vì một số bài có thể cho ra kết quả rất nhanh, nhưng cũng có những bài dùng máy tính không thể cho ra kết quả. HS cũng cần học cách tính nhẩm nhanh vì đôi khi, nhiều phép tính dễ không cần bấm máy tính sẽ giảm thời gian trong quá trình làm bài.

HS chú ý gạch chân từ khóa và lệnh của câu hỏi, nếu câu nào sử dụng được phương pháp loại trừ và phỏng đoán nên tận dụng tối đa để tiết kiệm thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Quá trình làm cần sắp xếp thời gian hợp lý. Làm đến đâu, tô vào phiếu trả lời ngay đến đó, tránh trường hợp đến gần cuối giờ mới tô vào phiếu và tô không kịp.

Bài liên quan
Học sinh 90 tuổi ôn thi vào trung học phổ thông
(GDTĐ) - Một cụ bà 90 tuổi người Italy đã quyết định trở lại trường, sau nhiều năm bỏ học vì chiến tranh thế giới thứ hai.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách ôn thi tốt nghiệp THPT hiệu quả cao