Cũng vì hai tiếng đồng bào ấy, mà bao thế hệ đã chiến đấu, hy sinh giải phóng ách nô lệ, giành độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào mình.
Chúng ta, ai cũng từng được nghe sự tích Âu Cơ - Lạc Long Quân với bọc trăm trứng nở ra một trăm người con. Đó chính là cội nguồn của dân tộc Việt Nam, cắt nghĩa hai chữ “đồng bào”, chung một nguồn cội con Rồng - cháu Tiên.
“Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Tiếng “đồng bào” cất lên thật gần gũi, đầy xúc cảm khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cũng vì hai tiếng “đồng bào” ấy, mà bao thế hệ đã chiến đấu, hy sinh giải phóng ách nô lệ, giành độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào mình.
Cơn bão số 3 (Yagi) vừa tàn phá nhiều tỉnh thành phía Bắc được đánh giá là siêu bão, với sức gió giật cấp 15, 16, chưa từng có trong 30 năm trở lại đây. Bão vừa đi qua, thì lũ lụt, sạt lở đất ập về gây biết bao thiệt hại cho Nhà nước và đồng bào. Tính đến nay, đã có hàng trăm người chết và mất tích, con số này còn thay đổi khi tình hình mưa lũ, sạt lở đất vẫn diễn biến phức tạp.
Cũng giống như các đợt thiên tai hoành hành trước, ở đâu đồng bào ta gặp thiên tai, ở đó đều nhận được sự chia sẻ, tinh thần tương thân, tương ái của nhân dân cả nước. Cả hệ thống chính trị gồm chính quyền các cấp, quân đội, công an và nhân dân đều vào cuộc. “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” thực sự là truyền thống quý báu của dân tộc, là nghĩa đồng bào đã kết tinh vào văn hóa, vào thái độ sống của mỗi người dân Việt Nam.
Tôi thực sự xúc động trước hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội: Những xe ô tô đi chậm để che chắn gió cho người đi xe máy trên cây cầu Nhật Tân, Vĩnh Tuy hoặc trên đường cao tốc khi bão dữ dằn đổ vào Hà Nội. Tôi khâm phục những con người bất chấp nguy hiểm lao vào cứu đồng bào mình trong đống đổ nát do sụt lở đất gây ra. Cơn bão vừa đi qua, ở nhiều địa phương, người dân cùng lực lượng chức năng tự nguyện dọn dẹp, cưa cắt những cây xanh bị đổ để cho bà con được đi lại bình thường.
Với chỉ đạo quyệt liệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và người đứng đầu Chính phủ, không để người dân nào bị đói rét, không có chỗ ở; không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau. Hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an đã hành quân xuyên đêm vào vùng lũ để cứu giúp người dân. Hình ảnh bộ đội, công an ngâm mình trong nước lũ, cõng trên lưng những bà mẹ già, bế những em bé thoát khỏi vùng nguy hiểm đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Họ sẵn sàng vì nhân dân quên mình vì đó là nhiệm vụ của người lính, nhưng trên hết, đó là mệnh lệnh từ trái tim với đồng bào mình.
Cơn bão số 3 vừa đi qua, mưa lớn xối xả, nước lũ tràn về, tin tức về những vùng bị thiệt hại khiến người dân cả nước xót xa. Ngay từ thời điểm ấy, những hội nhóm thiện nguyện, những con người tình nguyện đã kêu gọi mọi người chung tay vì đồng bào nơi thiên tai. “Một miếng khi đói không bằng một gói khi no”, những chuyến hàng cứu trợ xuyên đêm, xuyên mưa đã đến tay đồng bào ở những vùng thiên tai.
Bà con ở Thái Nguyên, Tuyên Quang và nhiều nơi khác nằm trong vùng ảnh hưởng của bão lũ. Người sắp bị ngập thì giúp đồng bào ở những nơi ngập sâu, những hộp cơm thơm dẻo nghĩa tình làm ấm lòng đồng bào trong cơn hoạn nạn.
“Nhà tôi có phòng ở xin được đón bà con vùng thiên tai”, “Tôi có mấy đôi thuyền xin được góp ứng cứu đồng bào vùng lũ”, “Doanh nghiệp của tôi có mười xe tải vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ”... Những dòng trạng thái như thế xuất hiện ngày một nhiều trên mạng xã hội.
Trong triệu triệu tấm lòng hướng về đồng bào vùng thiên tai, điều gây cảm xúc lớn cho tôi chính là nhóm phản ứng nhanh ở Huế, ở Quảng Bình. Họ là đồng bào ở khúc ruột miền trung thân yêu, nơi luôn chịu những đau thương, mất mát do bão lũ. Ngay sau khi thấy đồng bào miền Bắc chịu nhiều thiệt hại to lớn do bão, họ đã tình nguyện lên đường. Người nọ nói với người kia, lúc này là lúc phải đền đáp lại nghĩa tình của đồng bào cả nước đối với nhân dân miền Trung, cứ thế, đoàn tình nguyện ngày một đông hơn. Họ đến Hải Phòng, Quảng Ninh cưa cắt cây xanh bị đổ, dọn dẹp đường phố, làm bất cứ việc gì mà địa phương yêu cầu...
Đã có người nói với tôi rằng, xã hội bây giờ, tình nghĩa con người ngày một kém đi. Tôi thì không nghĩ như vậy! Nghĩa đồng bào trong con người Việt Nam ta không bao giờ mất, nó là một “mã gen” bất biến trong mỗi con dân đất Việt; nó ẩn chứa trong dòng máu, trong hơi thở con cháu dòng dõi Tiên - Rồng. Nó tạm lắng ẩn để rồi lại bùng lên mạnh mẽ khi Tổ quốc gặp khó khăn cần chung tay, góp sức; khi đồng bào gặp hoạn nạn cần sẻ chia cứu giúp.
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Câu ca dao ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân Việt Nam, là lời ru của mẹ lúc đầu đời đã thổi vào tâm hồn mỗi chúng ta về cách đối nhân xử thế với đồng bào mình, nhất là trong những thời điểm khó khăn nhất.
Thế giới rồi sẽ biến động, nhưng có một điều không bao giờ thay đổi ở con người Việt Nam chúng ta, đó là nghĩa đồng bào. Tính bất biến trong nghĩa đồng bào, tạo nên sức mạnh nội sinh, giúp chúng ta thêm gắn kết, cùng chung tay đẩy lùi mọi vật cản trên con đường đi tới tương lai ấm no, giàu mạnh của dân tộc.