Nhân ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam, bà Kim Thoa - CEO Nhà sách Tân Việt chia sẻ về những nỗ lực xây dựng văn hóa đọc.
Bà được mệnh danh là “người phụ nữ thổi hồn văn hóa đọc trong cộng đồng”, nhờ đâu mà bà có được động lực đó?
Cách đây hơn 20 năm, tôi là một bà mẹ nuôi hai đứa con bé nhỏ của mình. Cũng như bao các bà mẹ khác tôi dành hết tình yêu thương, dành hết những gì tốt đẹp cho con. Nhưng những năm gần đây tôi mới được tiếp cận tài liệu khoa học của các giáo sư nổi tiếng thế giới về thần kinh học, giáo dục học, tâm lý học như Giáo sư Glenn Doman, Giáo sư Cindry, Giáo sư Shichida, nhà giáo dục người Ý Montessori… Các nhà khoa học này đều khẳng định não bộ của trẻ đặc biệt phát triển nhanh và mạnh mẽ nhất ở giai đoạn 0-6 tuổi. Và để khai mở được những năng lực vượt trội đó, hoạt động đọc chiếm vị trí quan trọng.
Qua tìm hiểu, tôi thấy hiện nay còn khá nhiều cha mẹ chưa có kiến thức nuôi dạy con giống như tôi trước đây dù điều kiện kinh tế, thu nhập, mức sống hiện tại đã cao hơn rất nhiều so với trước. Giáo sư Glenn Doman đã chỉ ra rằng: “Đọc là một hoạt động của não bộ. Đọc sách cho trẻ nghe và dạy trẻ đọc sách từ sớm có thể làm thay đổi cấu trúc của não bộ”.
Có thể nói rằng đọc sách là một hoạt động rất bình thường mà vĩ đại. Đọc sách là một cách tự học chủ động, một cách tiếp thu kiến thức sâu sắc nhất, một cách nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người hiệu quả nhất. Chưa hết, đọc sách còn là cách nuôi dưỡng và phát triển trí tưởng tượng, tư duy tốt nhất.
Bản thân tôi cũng được lĩnh hội rất nhiều bài học thành công và triết lý từ những câu chuyện hay trong sách. Sách hun đúc cho tôi ý chí và bản lĩnh dám nghĩ dám làm, dám bước ra khỏi vùng an toàn.
Bởi thế, tôi muốn chia sẻ và lan tỏa với các cha mẹ và thầy cô kiến thức khoa học từ giá trị mà sách mang lại, với mong muốn các bậc phụ huynh đều nuôi dạy con thông minh, hiệu quả với thói quen đọc sách.
Từng đọc và nghiên cứu nhiều tài liệu khoa học trên thế giới, liệu có câu chuyện nào khiến bà cảm thấy thực sự phải suy ngẫm về thói quen đọc sách?
Tôi đã đọc được rất nhiều câu chuyện ấn tượng về việc đọc sách. Một trong số đó là câu chuyện đọc sách của Tổng thống Mỹ George W. Bush năm 2001. Vào đúng ngày 11/9/2001 - ngày đen tối nhất đi vào lịch sử của nước Mỹ - đương kim Tổng thống George Bush đã dành cả buổi để đi đọc sách cho học sinh ở trường Tiểu học Emma E. Booker (thành phố Sarasota, bang Florida).
Khi nhận tin máy bay đâm vào tòa tháp đôi, ánh mắt, gương mặt Tổng thống Bush hoàn toàn biến sắc. Nhưng ông vẫn cố gắng giữ bình tĩnh để không làm ảnh hưởng đến tiết đọc sách của các em nhỏ.
Tại sao một Tổng thống đương nhiệm với trăm công ngàn việc tại một cường quốc hàng đầu thế giới về kinh tế, quân sự, giáo dục, công nghệ... lại có thể dành cả buổi sáng để đọc sách cho học sinh tiểu học? Một cường quốc như xứ cờ hoa, tại sao người dân lại ham đọc sách đến thế? Câu hỏi đặt ra là: Đọc sách có quan trọng không?
Câu trả lời rõ ràng là nếu đọc sách không quan trọng, không có giá trị, không cần thiết thì không bao giờ một đương kim Tổng thống lại dành cả buổi sáng để đọc sách nhằm cổ vũ và nâng cao tinh thần đọc sách cho học sinh, cho công dân của họ.
Sách có giá trị quá đỗi to lớn, thậm chí đáng kinh ngạc qua những câu chuyện bà vừa kể. Nếu nhìn nhận một cách quy mô hơn, với gần 20 năm năm kinh nghiệm trong ngành sách, bà nhận thấy sách đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với sự phát triển con người và quốc gia?
Bản thân tôi sinh ra ở vùng quê, thuở nhỏ ít có điều kiện đọc sách. Ngoài sách giáo khoa thì hầu như tôi không có cơ hội đọc thêm sách khác. Đến tận khi lên Hà Nội học đại học, tôi mới được đọc nhiều sách hơn qua tìm kiếm ở thư viện nhà trường và các hiệu sách bên ngoài. Chính những cuốn sách tôi đọc khi đó đã thay đổi nhận thức của tôi. Hơn bao giờ hết, tôi hiểu được giá trị của sách.
Mỗi ngày tôi đều tâm niệm: “Mình cần làm gì đó để tất cả mọi người đều yêu đọc sách, coi sách là bạn, coi việc đọc là thói quen hằng ngày”.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 là dịp để tôn vinh sách và người làm sách. Tôi biết, phát triển văn hóa đọc là một công cuộc lớn của quốc gia, cần đầu tư nhiều nguồn lực và cả xã hội chung tay thực hiện. Nhưng thực hiện như thế nào và bắt đầu từ đâu? Theo tôi, thói quen đọc cần được xây dựng từ bên trong mỗi gia đình để tạo nên gốc rễ chắc chắn cho mỗi cá nhân, đó cũng là nền móng phát triển tương lai của quốc gia.
Và tôi muốn được nhắc lại rằng: Để phát triển và xây dựng văn hóa đọc trong mỗi gia đình, điều trước tiên là chúng ta cần xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ từ tuổi ấu thơ, sau đó là đến nhà trường. Tôi muốn được nhắc lại rằng: Cái gốc của thói quen đọc không nằm ở đứa trẻ, mà nằm ở trong môi trường giáo dục gia đình và nhà trường, sau cùng mới là xã hội.