Đặc biệt, thay vì tấn công người dùng thiết bị đầu cuối hay những hệ thống đơn lẻ, mã hóa dữ liệu trên một vài cụm máy chủ như trước đây, các nhóm tấn công ransomware hiện nay sau khi xâm nhập và nằm vùng trong hệ thống, sẽ phát động tấn công, làm tê liệt toàn bộ hệ thống và mã hóa tất cả dữ liệu của tổ chức, với mục tiêu tống tiền.
Bên cạnh việc tấn công ransomware ngày càng chuyên nghiệp, các chuyên gia cũng cho rằng, nhiều nhóm hacker thời gian gần đây dồn dập tấn công ransomware vào các hệ thống tại Việt Nam còn có nguyên nhân từ chính các tổ chức, doanh nghiệp chưa đảm bảo an toàn thông tin một cách đầy đủ cho các hệ thống của đơn vị mình.
Để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc triển khai các giải pháp phòng chống tấn công ransomware, Cục An toàn thông tin đã cho ra mắt Cẩm nang phòng chống, giảm thiểu rủi ro từ tấn công ransomware.
Cẩm nang này chỉ dẫn về cách khôi phục hệ thống sau khi phát hiện bị tấn công ransomware, đồng thời hướng dẫn cụ thể 9 biện pháp phòng chống, giảm thiểu rủi ro từ tấn công ransomware như: xây dựng kế hoạch sao lưu, phục hồi dữ liệu đối với hệ thống, thông tin quan trọng, giám sát liên tục phát hiện sớm các hành vi xâm nhập, chủ động tìm kiếm dấu hiệu tấn công, rà quét mã độc…
Chuyên gia của Cục An toàn thông tin khuyến nghị thực hiện việc sao lưu "offline", không để các bản sao lưu đặt trong môi trường kết nối với hạ tầng mạng. Thực hiện sao lưu thường xuyên và đảm bảo dữ liệu của các bản sao lưu được đầy đủ, từ đó hạn chế, giảm thiểu ảnh hưởng của việc mất dữ liệu (khi bị mã hóa) và đẩy nhanh quá trình khôi phục khi có sự cố.
HM