Cần bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng xã hội

Phạm Hoa - Việt Anh | 17/10/2023, 11:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng xã hội là vấn đề cấp bách hiện nay, vì sự phát triển bùng nổ của công nghệ đã mang lại cho trẻ em cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các thông tin trên internet.

Trong bối cảnh môi trường mạng ngày càng trở nên phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, việc xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu và cần đến sự chung tay của toàn xã hội.

Trẻ chưa nhận thức hết được mối nguy hại trên không gian mạng

Ở độ tuổi nhỏ, các em thường ít được trang bị đủ các kỹ năng “tự vệ”, có nguy cơ chịu nhiều rủi ro và bị xâm hại nhiều hơn như: Bị tiết lộ thông tin bí mật cá nhân và bị sử dụng thông tin cá nhân vào các mục đích xấu, dễ bị lôi kéo, kích động để vi phạm pháp luật, bị xâm hại tình dục, bóc lột và lừa đảo qua các trò chơi trên mạng…

Theo số liệu năm 2021 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có khoảng 27 triệu trẻ em dưới 18 tuổi. Thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho thấy, có 96,9% trẻ em sử dụng mạng internet.

Như vậy, trung bình có 9/10 trẻ em sử dụng thiết bị kết nối internet, 9/10 trẻ em thường xuyên lên mạng hàng ngày.

Mặt khác, thống kê của Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số cũng chỉ ra rằng có 36,5% trẻ em phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực; hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm.

Việc thường xuyên tiếp xúc với mạng xã hội chính là nguyên nhân chủ yếu khiến các em gặp phải những tác động tiêu cực bởi không gian mạng. Bên cạnh đó, không ít những công ty, doanh nghiệp, nhà cung cấp, nhà sáng tạo nội dung… cung cấp những dịch vụ, nội dung trên không gian mạng chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam như thông báo lứa tuổi trẻ em có thể tham gia chặn, lọc, gỡ những nội dung, thông tin độc hại đối với trẻ em...

mang-xa-hoi.png
                         Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng xã hội là vấn đề cấp bách hiện nay

Ở độ tuổi của các em chưa phân biệt được các nội dung độc hại, cùng với đó là sự thiếu kiểm soát, quan tâm của gia đình, nhà trường khiến cho vấn nạn này càng trở nên khó tháo gỡ.

Riêng trong năm 2022, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã ghi nhận gần 370.000 cuộc gọi đến, với gần 28.000 cuộc gọi được lập hồ sơ và hơn 1.500 ca can thiệp hỗ trợ.

Trong số này, có tổng cộng 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Tổng cộng, Cục trẻ em đã 21 lần can thiệp để xử lý.

Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi bởi phần nhiều trẻ bị bạo lực và xâm hại tình dục qua mạng và các bé hầu như không trao đổi với gia đình, nhà trường, cơ quan chức năng hay liên hệ đường dây nóng.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề cấp bách

Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có quy định pháp lý để góp phần bảo vệ an toàn trẻ em và phòng chống xâm hại cho em trên không gian mạng như Luật trẻ em năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, Quyết định số 267/QĐ-TTg và Quyết định số 84/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…

Nhà nước ta cũng đã triển khai nhiều công nghệ và các thiết bị góp phần bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, cách tốt nhất vẫn là nâng cao nhận thức về sử dụng mạng an toàn cho các em bởi với sự phát triển của công nghệ số ngày nay, việc ngăn cản hoàn toàn trẻ em tiếp xúc với không gian mạng là rất khó thực hiện.

huong-dan-cho-tre-su-dung-intenet-an-toan.png
                                      Nên  hướng dẫn cho trẻ sử dụng intenet an toàn

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại, trong đó có nguyên nhân từ việc trẻ chưa đủ kiến thức để nhận thức hết được mối nguy hại khi tham gia trên môi trường mạng.

Từ đó chưa có cách để phòng, tránh, dễ bị lôi kéo để thực hiện các hành vi trái đạo đức, trái pháp luật. Các em chưa có được quan tâm sát sao của gia đình, nhà trường trong việc trang bị những kiến thức khi tham gia môi trường mạng.

Trong khi đó, các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở nước ta hiện còn thiếu và chưa đồng bộ. Từ việc thiếu các cách thức nhận dạng, cảnh báo cho trẻ em về những rủi ro, hệ lụy, hệ quả khi tham gia mạng xã hội.

Và thiếu thiết bị kiểm tra, giám sát, hạn chế và ngăn chặn các hình ảnh phản cảm, bạo lực trên internet đối với trẻ em.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (ngày 20/2/1990).

Từ đó đến nay, rất nhiều văn bản được Đảng, Nhà nước ban hành với những quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em, thể hiện trách nhiệm, nhận thức của Nhà nước trong quá trình hiện thực hóa việc bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, với sự phát triển quá nhanh và mạnh của internet, của các thiết bị công nghệ khiến những quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở nước ta thiếu và chưa đồng bộ.

Hệ thống công nghệ thu thập, giám sát dữ liệu đang phải “chạy theo” thông tin độc hại và các quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, các cấp trong công tác bảo vệ trẻ em còn thiếu, chưa đủ “sức nặng” để thực hiện...

Rõ ràng hiện nay, hàng rào kỹ thuật phòng ngừa xâm hại cho trẻ em trên môi trường mạng thực sự chưa được quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em còn bị xem nhẹ.

Bên cạnh đó, việc sử dụng interner nước ta còn khá dễ dãi, hầu như ai cũng có thể đăng tải những video, hình ảnh, bài viết có nội dung không lành mạnh lên mạng. Nhiều bậc phụ huynh chưa coi trọng việc bảo vệ, phòng tránh xâm hại cho con em mình…

tre-tham-gia-hoat-dong-ben-ngoai.png
                                           Nêm cho trẻ tham gia nhiều hoạt động bên ngoài

Chính vì đó, nhiều kẻ đã lợi dụng môi trường mạng không tiếp xúc, không định danh, không xác định địa điểm để thực hiện các hành vi đe dọa, lừa đảo, xâm hại với trẻ em.

Có một thực tế là trẻ em, thanh thiếu niên khi tiếp xúc với những nội dung độc hại trên môi trường mạng thường lựa chọn việc im lặng và cho qua thay vì lên tiếng, báo cáo và tìm kiếm sự hỗ trợ, e ngại tìm đến những kênh tiếp nhận và trợ giúp.

Do đó, bên cạnh việc điều chỉnh, chỉnh lý các văn bản, nghị định pháp luật về bảo vệ trẻ em thì việc quan trọng hiện nay là quan tâm đến công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là cha mẹ và nhà trường.

Để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ khi tiếp xúc với mạng xã hội, việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để các em biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn là rất cần thiết.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chúng ta nên có  “vaccine số” dành cho những “công dân số nhí”.

“Vaccine số” sẽ là một quá trình tiếp thu, học hỏi, từ kiến thức đến nhận thức và trở thành các kỹ năng hoạt động, ứng xử trên môi trường mạng,  từ các hành vi văn hóa cho đến những hành vi cảnh giác như tự bảo vệ mình.

Trong các môi trường tác động hình thành đến nhân cách của đứa trẻ thì môi trường gia đình là quan trọng nhất, đặc biệt là cách sống, lối sống, suy nghĩ của cha mẹ. Cha mẹ phải quan tâm, giáo dục con từ khi con còn bé.

Những đứa trẻ chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ chúng. Bởi vậy, để giáo dục được trẻ tốt thì trước hết cha mẹ phải biết sửa mình, phải biết làm gương và tạo ra một môi trường sống văn minh, lành mạnh.

Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông, báo chí cần đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi đăng tin, bài về trẻ em.

Các doanh nghiệp cần khuyến khích việc xây dựng các ứng dụng, phần mềm hay các nền tảng, trò chơi trực tuyến tạo là sân chơi bổ ích cho trẻ em, giúp trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo trên không gian mạng./.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng xã hội