Cần chính sách có sức hút hơn cho nhà giáo

Anh Tú | 18/03/2022, 14:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dù đã cố gắng thực hiện nhiều giải pháp thu hút, hỗ trợ nhưng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ vẫn đang đối mặt với việc thiếu hụt giáo viên.

Lớp học đông học sinh sẽ tạo áp lực lên giáo viên. Ảnh: TG

Loay hoay giải pháp tình thế

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt giáo viên, giải pháp tạm thời mà các địa phương thực hiện là dồn trường, dồn lớp, chấp nhận không bảo đảm theo quy định về số học sinh/lớp. Song song giải pháp trên là xây dựng chính sách tuyển dụng giáo viên ngoài viên chế, thực hiện xã hội hóa đối với một số môn học trên cơ sở phụ huynh có nhu cầu, đề nghị nhà trường thực hiện, chịu trách nhiệm quản lý và kinh phí phụ huynh chi trả…

Bà Dương Thị Thảo - Trưởng phòng GD&ĐT TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước - cho hay: Để giải bài toán thiếu giáo viên, phòng đã đề nghị các trường tập trung bố trí thầy cô dạy đủ số tiết theo quy định. Đối với những tiết ở buổi 2 thiếu giáo viên thì thỏa thuận với phụ huynh để xã hội hóa, nhất là với các môn như Toán, Tiếng Việt và một số môn chuyên ngành, dưới sự quản lý của ban giám hiệu các trường. “Đây chỉ là giải pháp tình thế để bảo đảm tiến độ và khung chương trình dạy học. Còn về lâu dài rất cần một chính sách tốt và bền vững hơn”, bà Thảo chia sẻ.

Đồng tình với việc cần phải có một chủ trương và chính sách chung cho công tác tuyển dụng, tạo sức hút lớn hơn cho nghề giáo, ông Lý Thanh Tâm - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Phước - thông tin: Sở GD&ĐT đã đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ và các huyện, thị xã, thành phố tiến hành điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu (gần 590 giáo viên). Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT tiếp tục thẩm định bổ sung biên chế cho các địa phương theo tổng biên chế được giao nhằm sớm bổ sung cho trường đang thiếu. Tuy nhiên, khó khăn cho vấn đề trên vẫn rất lớn bởi nguồn tuyển khó khăn.

Để hỗ trợ cho giáo viên, ngành Giáo dục Đồng Nai đã tham mưu cho UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ, chẳng hạn đối với giáo viên mầm non các trường công lập được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/tháng.

“Đối với đội ngũ giáo viên một số bộ môn đang bị thiếu, Sở GD&ĐT cũng tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách thu hút đào tạo, sử dụng để không chỉ có đủ số lượng, mà còn bảo đảm chất lượng. Tuy vậy, do số lượng giáo viên đông, bất cứ sự thay đổi nào về chính sách đều phải cân nhắc sao cho phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng ngân sách của tỉnh… Vì vậy, dù rất cố gắng nhưng thực trạng thiếu hụt giáo viên vào mỗi năm học vẫn chưa thể chấm dứt”, bà Trương Thị Kim Huệ - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai nói.

Thực tế, việc thiếu hụt giáo viên các cấp đã diễn ra dai dẳng nhiều năm nay. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng theo các cán bộ quản lý, nghề giáo ngày càng không còn hấp dẫn so với ngành nghề khác vì giáo viên chưa thể sống bằng lương. Đặc biệt là các chế độ, chính sách dành cho giáo viên thay đổi quá chậm nên không ít thầy cô hiện phải tìm nhiều cách xoay xở để bảo đảm cho cuộc sống tối thiểu.

“Có người may mắn sống được bằng nghề tay trái ngoài giờ dạy trên lớp, nhưng nhiều người sau nhiều năm cố gắng bám trụ đành chấp nhận bỏ nghề vì không thể trụ được. Với mức lương khởi điểm của giáo viên có trình độ trung cấp sư phạm mầm non (hiện chưa đến 3,2 triệu đồng/tháng), còn CĐ và ĐH sư phạm là 3,5 triệu đồng/tháng đã bao gồm phụ cấp đứng lớp thì thật rất khó để tạo sức hút cho ngành.

Ở các trường công lập là vậy, còn với các trường tư thục, mức lương của giáo viên có thể nhích hơn ở mức từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với mức lương ấy vẫn rất khó để giáo viên trẻ trang trải cuộc sống của mình tại đô thị nếu như có con nhỏ”, cô Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 11, TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Tại phiên báo cáo, giải trình với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên cần giải pháp tổng thể, lâu dài và bền vững. Vì nếu chỉ có một vài giải pháp sẽ rất khó giải quyết được. Ngoài ra, để giải quyết triệt để vấn đề này rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/can-chinh-sach-co-suc-hut-hon-cho-nha-giao-S1ZGYDP7g.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/can-chinh-sach-co-suc-hut-hon-cho-nha-giao-S1ZGYDP7g.html
Bài liên quan
Phối hợp thực hiện tốt chính sách giáo dục dân tộc
(GDTĐ) - Chiều 24/2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã có buổi làm việc tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần chính sách có sức hút hơn cho nhà giáo