Mặc dù đạt một số kết quả nhưng việc phổ biến kiến thức về khoa học công nghệ vẫn còn nhiều bất cập khi chưa có cơ chế chính sách đủ mạnh riêng cho hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ từ cấp Trung ương đến địa phương.
Ngày 24/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo "Giải pháp phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong công tác phổ biến kiến thức KHCN".
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Quang Thao cho biết, truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ (KHCN) là nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi và cũng là thế mạnh của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên.
Cùng với hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội, truyền thông và phổ biến kiến thức đã góp phần tạo ra bản sắc riêng có của đội ngũ trí thức KHCN thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.
Mặc dù đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên công tác phổ biến kiến thức của Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên nhìn chung vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn như: Các chương trình, hoạt động phổ biến kiến thức chưa có sự liên kết giữa các hội thành viên, chưa có chiến lược, kế hoạch tổng thể, mục tiêu dài hạn cũng như mục tiêu cụ thể của toàn hệ thống.
Nhằm nâng cao vai trò và sức đóng góp của các nhà khoa học, trí thức, các tổ chức thành viên cũng như hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam trong công cuộc phổ biến kiến thức KHCN cho toàn dân trong thời gian tới, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ có kế hoạch, chương trình cụ thể triển khai hoạt động phổ biến kiến thức của Hội và các hội thành viên trong giai đoạn 2025-2030.
Ông Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội cho biết, thời gian qua, với chức năng nhiệm vụ được giao, Liên hiệp Hội Hà Nội đã nỗ lực cố gắng thúc đẩy hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức KH&CN; chủ động phối hợp với các hội thành viên, các tổ chức phi chính phủ... triển khai bước đầu đạt kết quả.
Tuy nhiên, hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức về KHCN trên địa bàn Hà Nội còn có những bất cập, chưa hình thành được ấn phẩm, bản tin truyền thông, phổ biến kiến thức KHCN; các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức chủ yếu được tuyên truyền qua các kênh: Trang thông tin điện tử; tập huấn, hội nghị, hội thảo khoa học, các phương tiện thông tin đại chúng... nhưng chưa phong phú, chưa phản ánh kịp thời hoạt động KHCN thực tiễn đang diễn ra trên địa bàn Thành phố.
Một trong những nguyên nhân, đó là chưa có cơ chế chính sách đủ mạnh riêng cho hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức KHCN từ cấp Trung ương xuống các địa phương. Trong đó, Điều 48, Luật KH&CN năm 2013 đã được quy định rõ. Tuy nhiên, đến nay, kế hoach truyền thông, phổ biến kiến thức vẫn chưa được thống nhất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là nguyên nhân căn bản ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức tại các địa phương.
Theo ông Lê Xuân Rao, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên cần chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến kiến thức trong cả nhiệm kỳ và từng năm, chú trọng tuyên truyền về tiến bộ khoa học kỹ thuật góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đồng thời tuyên truyền ngăn chặn những sản phẩm, công nghệ lạc hậu, gây nguy hại đến sức khỏe con người, môi trường, an ninh, quốc phòng.
Để có căn cứ pháp lý triển khai hoạt động phổ biến kiến thức trong hệ thống Liên hiệp Hội từ Trung ương đến địa phương, ông Lê Xuân Rao đề nghị Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Bộ KH&CN cụ thể hóa Điều 48 Luật KH&CN năm 2013 hoặc điều chỉnh Điều 48 theo hướng lồng ghép một số nội dung (giải pháp 9 - Tăng cường các hoạt động tôn vinh, truyền thông, nâng cao cao nhận thức về KHCN và đổi mới sáng tạo) trong Chiến lược KHCN và đổi mới sáng tạo vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KHCN mà Bộ KH&CN đang soạn thảo.
Trong khi đó, GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam cho rằng, để thực hiện tốt công tác phổ biến kiến thức của Liên hiệp Hội Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tổ chức, phương thức, hình thức phổ biến kiến thức.
Đồng thời đề xuất Liên hiệp Hội Việt Nam cần có bước đi đột phá trong việc huy động nguồn lực cho công tác phổ biến kiến thức từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp KHCN; các tổ chức quốc tế. Tăng cường các mục về thông tin và phổ biến kiến thức khoa học về phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt chuyên mục liên quan đến sinh kế cho nông dân và dân nghèo thành thị.