Trường chuẩn quốc gia giúp chuẩn hóa điều kiện dạy học. Ảnh: INT |
Tạo hành lang pháp lý
Chia sẻ giải pháp khắc phục hạn chế, ông Mai Huy Phương cho rằng, cần tạo hành lang pháp lý để huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất tại cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu đạt CQG. Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch xây dựng trường đạt CQG, trong đó xác định rõ mục tiêu, giải pháp và thời gian thực hiện; tích cực tham mưu với địa phương về quy hoạch diện tích tổng thể, các hạng mục xây dựng cơ bản. Tiếp tục phát huy vai trò chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ quản lý nhất là người đứng đầu đơn vị.
Thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt CQG cho cán bộ chủ chốt, đặc biệt là công tác tự đánh giá, khâu đầu tiên và quan trọng của quy trình kiểm định chất lượng giáo dục. Chỉ đạo các trường học rà soát chu kỳ, cấp độ đạt kiểm định chất lượng giáo dục và mức độ đạt CQG để có giải pháp xây dựng chuẩn và nâng chuẩn phù hợp. Tuyên truyền dưới nhiều hình thức để tăng thêm hiểu biết trong cộng đồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của trường đạt CQG.
Các cơ sở giáo dục kết hợp với Ban đại diện cha mẹ HS huy động hợp lý, có hiệu quả sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và điều kiện nâng cao hiệu quả giáo dục; chủ động tìm nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước... để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học.
Theo ông Mai Huy Phương, thời gian tới Bộ GD&ĐT cần tiếp tục tổ chức tập huấn đánh giá ngoài, đặc biệt với bậc học phổ thông để bổ sung, tăng cường lực lượng cán bộ làm công tác này; cần rà soát, sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại các thông tư về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt CQG đối với các cấp học để bảo đảm tính toàn diện, thống nhất, phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tổ chức đánh giá ngoài ở sở GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT cũng cần nghiên cứu, tham mưu Chính phủ bố trí nguồn lực hỗ trợ tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đầu tư cơ sở vật chất cho trường công lập, đáp ứng tiêu chuẩn quy định về cơ sở vật chất, phòng chức năng, khối phòng phục vụ học tập theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT và Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT; có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt CQG đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, trung tâm GDNN-GDTX.
Chia sẻ bài học kinh nghiệm nhằm triển khai hiệu quả công tác xây dựng trường đạt CQG và kiểm định chất lượng giáo dục, ông Phan Xuân Quyết, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, cho rằng, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của ban, ngành, tổ chức đoàn thể đối với việc xây dựng trường đạt CQG.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện rà soát sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đề ra những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
“Cũng cần hướng dẫn các nhà trường thực hiện tốt công tác tự đánh giá. Tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và duy trì trường đạt CQG tại đơn vị mình” - ông Phan Xuân Quyết trao đổi.