Trang bị kỹ năng
TS Lưu Hữu Đức – Trưởng ban Công tác Chính trị và Sinh viên (Học viện Tài chính) - lưu ý: đối với tân sinh viên, khi mới bước vào môi trường đại học - nơi cuộc sống phố thị, phồn hoa, ngoài việc được các cơ sở đào tạo, đoàn thể như: Đoàn thanh niên, hội sinh viên… trang bị, chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống, học tập, thì bản thân các em cũng nên tự trang bị cho mình một số kỹ năng như:
Xác định mục tiêu của bản thân: Việc xác định mục tiêu của bản thân có thể đã được hình thành từ sớm, từ khi các em còn là học sinh. Vì các em đã biết đặt mục tiêu phấn đấu vào trường đại học mà mình mong muốn, xác định được động cơ và thái độ học tập ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Do đó, kỹ năng này cần được bổ sung và phát triển khi trở thành sinh viên.
Tự nhận thức: Mỗi sinh viên khi bước chân vào giảng đường đại học đều tham gia khóa học chính trị đầu khóa. Tại khóa học này, sinh viên có thể chia sẻ những suy nghĩ, nhìn nhận của bản thân trong việc nhận thức các vấn đề mới khi có sự thay đổi môi trường học tập.
Qua đây, những nhận thức của mình có thể được nâng cao và được chia sẻ “đúng - “sai”. Việc tự nhận thức các vấn đề theo định hướng của cơ sở đào tạo và thầy cô giáo luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành thói quen, kỹ năng tự nhận thức các vấn đề cho sinh viên.
Ra quyết định và xử lý vấn đề: Khi sinh viên có kỹ năng tự nhận thức các vấn đề, biết được “đúng - sai” thì việc quyết định và xử lý vấn đề theo hướng đúng đắn sẽ không còn là khó khắn, và nó trở thành kỹ năng của chính bản thân bạn.
Làm việc độc lập, làm việc nhóm: Đây luôn là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại. Kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm giúp sinh viên trưởng thành hơn, phát huy được sức mạnh của bản thân và tập thể trong giải quyết các công việc, trong học tập, cuộc sống và sự nghiệp sau này.
Việc tham gia các hoạt động tập thể do trường, lớp, đoàn thanh niên, hội sinh viên tổ chức là một trong những gợi ý để sinh viên có thể rèn luyện kỹ năng này.