Cảnh báo tình trạng sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả

PV | 11/12/2021, 07:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hiện nay, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không đạt chuẩn là vấn nạn, mối họa khó lường, có nguy cơ “đầu độc” sức khỏe cộng đồng.


Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra thu giữ hàng nhập lậu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Chiến Công

Truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng, hàng hóa giả luôn luôn ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi người tiêu dùng và nền kinh tế. Tuy nhiên, đối với hàng hóa giả là thuốc, thực phẩm chức năng hay các sản phẩm khác có nguy cơ tác động xấu đến sức khỏe con người thì lai càng nguy hiểm hơn. Chúng ta đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc sản xuất kinh doanh thuốc giả như vụ thuốc chữa ung thư giả làm từ than tre, thuốc Đông y giả hay nhiều trường hợp thực phẩm chức năng giả mạo nhãn mác xuất xứ bị phát hiện và gần đây còn xuất hiện thuốc chữa Covid-19 giả. Các đối tượng sản xuất kinh doanh loại hàng hóa giả này thường thổi phồng công dụng, chất lượng sản phẩm; đồng thời, đánh vào tâm lý đám đông, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều người, hướng đến những người cao tuổi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe hay thậm chí là lợi dụng và lừa gạt cả những người mắc bệnh hiểm nghèo mà sự sống của họ không còn được bao lâu nữa. Những đối tượng này vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe cộng đồng.
Để đấu tranh với vấn nạn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, trước hết mỗi người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo. Chúng ta không nên tin vào những lời quảng cáo, rao bán các loại thuốc, thực phẩm chức năng không có thương hiệu ở trên mạng. Không nên tin vào quảng cáo về các loại thuốc có công dụng thần kỳ như là có thể chữa khỏi bệnh ung thư. Nếu như có loại thần dược như vậy, chắc chắn đã có nhiều người biết, nhiều người mua đến mức không cần lên mạng quảng cáo. Khi mua hàng cũng nên lựa chọn các sản phẩm quen thuộc với người tiêu dùng, sản phẩm đã tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường về tác dụng và sự an toàn của nó. Để tránh mua phải hàng giả mạo nhãn mác, nguồn gốc, chúng ta cũng nên mua hàng ở các cửa hàng, các hiệu thuốc lớn. Đấu tranh với tình trạng sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả còn cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định pháp luật, chế tài xử lý đã có, công việc lúc này là đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm để bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho người dân.
“Về quy định của pháp luật, người có hành vi sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể số lượng, giá trị hàng giả hay gây hậu quả đến đâu. Cụ thể, người có hành vi sản xuất thuốc giả bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hình phạt nặng nhất đối với người phạm tội này là tử hình. Người có hành vi sản xuất buôn bán thực phẩm chức năng giả bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo Điều 193 Bộ luật Hình sự. Hình phạt cao nhất đối với người phạm tội này là phạt tù chung thân” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng thông tin.

Bài liên quan
Nhà báo Đăng Chung
Nhà báo Đăng Chung còn có bút danh là Thanh Sơn. Anh là thành viên quan trọng của Ban Kinh tế - Xã hội điện tử - Báo Giáo dục và Thời đại.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo tình trạng sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả