Tai nạn lao động cũng thường xảy ra vào mùa này do sự bất cẩn của người tham gia lao động hay chủ lao động trong khi không có trang thiết bị bảo hộ cần thiết. Những công trình thi công xây dựng, trang trí, sản xuất ngoài trời khi gặp mưa, gió, bão dễ bị cản trở hoặc là nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Nạn nhân thường là nam giới trẻ tuổi bị chấn thương khá nặng, có thể kèm theo đa chấn thương.
Để phòng tránh các bệnh về xương khớp khi mùa mưa đến, bác sĩ Khanh khuyên mọi người nên duy trì luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày. Luyện tập được xem như một liều thuốc quý, rất có ích đối với sức khỏe con người và hiệu quả trong việc giảm đau nhức. Ngoài ra, bạn cần thiết kế cho bản thân một chế độ ăn uống hợp lý như thực phẩm giàu vitamin C và E, canxi, uống thật nhiều nước để duy trì độ trơn tru giữa các khớp. Tốt nhất nên uống 2 ly sữa mỗi ngày, mỗi tuần ăn hai bữa tôm cua để phòng tránh loãng xương, đây một nguyên nhân thường đi kèm thoái hóa khớp gây đau nhức.
Để phòng tránh bệnh xương khớp, mọi người nên duy trì luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày.
Trong nhà có người lớn tuổi, gia đình nên chú ý làm khô nền, sàn nhà, không để người già đi một mình lên xuống cầu thang hay bậc thềm. Riêng những cụ già yếu có nguy cơ té ngã cao nên đi vệ sinh tại giường vào ban đêm hay phải có người nhà đi cùng. Quần dài cần được cắt ngắn gấu, chuẩn bị dép đi trong nhà không quá trơn, đi lại bằng khung hoặc gậy nạng để trợ giúp... Nhân viên y tế cần nhắc nhờ mọi người về điểm này.
Để phòng tránh tai nạn giao thông, mọi người cần tham gia giao thông có ý thức, đặc biệt mùa mưa càng phải thận trọng, trong một số trường hợp áo mưa hay che dù lại trở thành nguyên nhân gây ra tai nạn. Chú ý không bóp thắng trước của xe, chạy chậm, quan sát kỹ để tránh các hố nước đọng bị che lấp...
Ngoài ra, có nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện do ngã từ mái nhà xuống khi đang lợp mái tôn hay chặt bớt các nhánh cây trong sân, leo cầu thang hay ghế khi nền nhà trơn trượt... Vì vậy mọi người cần đề cao cảnh giác.
Theo bác sĩ Khanh, bệnh đau nhức cơ xương khớp thường có 2 phương pháp điều trị. Thứ nhất là không dùng thuốc bao gồm nghỉ ngơi hợp lý, chườm đá vùng sưng viêm, tập vật lý trị liệu lấy lại chức năng. Thứ hai, có thể kết hợp với dùng thuốc nếu đau nhiều như giảm đau, kháng viêm, giảm co cứng cơ. Tuy nhiên thuốc có thể gây tác dụng phụ như tăng men gan, đau dạ dày hay chóng mặt, lừ đừ...