Cấp thiết đổi mới dạy Ngữ văn

Đức Trí - Ánh Ngọc | 08/08/2022, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đa số giáo viên đều đồng thuận, ủng hộ chủ trương đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông mà Bộ GD&ĐT vừa hướng dẫn.

Cô Nguyễn Hồng Hải, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội) chỉ ra những khó khăn giáo viên sẽ gặp phải khi thực hiện đổi mới kiểm tra dạy học và đánh giá môn Văn. Đó là thời lượng dạy trên lớp không thay đổi về số tiết. Nếu chuyển sang dạy kỹ năng làm bài theo cách kiểm tra, đánh giá mới sẽ không còn nhiều thời gian để học sinh luyện tập.

Việc xây dựng hệ thống câu hỏi với dữ liệu mới đòi hỏi đầu tư thời gian, tâm sức, chuyên môn. Trong khi đó, năm học mới đang rất gần, giáo viên còn nhiều việc cần chuẩn bị. Một thách thức khác, giáo viên nhiều năm đã quen với kiểm tra, đánh giá theo cách cũ khó để thích nghi với hoàn cảnh, yêu cầu chuyên môn ngay. Do đó, việc thay đổi cần có thời gian, lộ trình để giáo viên kịp ngấm, nghiên cứu phương pháp, bồi dưỡng chuyên môn…

Theo đề xuất của cô Hải, khi Bộ GD&ĐT chưa bắt buộc 100% bài kiểm tra dùng ngữ liệu mới, giáo viên không nên quá “căng thẳng”. Trước mắt, trên cùng một văn bản trong sách giáo khoa, có thể thay đổi cách đặt câu hỏi. Một văn bản nhưng câu hỏi khác thì học sinh sẽ phải học, ôn tập và trả lời kiểu khác. Và thời gian tới, Bộ, sở cần triển khai tập huấn với nội dung bám sát yêu cầu thực tế và đưa ra phương pháp, ứng dụng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện triển khai của giáo viên.

Cho rằng, việc kiểm tra theo hướng “dứt” hoàn toàn ngữ liệu trong sách giáo khoa cần có lộ trình, cô Mai Thị Ánh Nguyệt, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Ba Đình, Hà Nội) viện dẫn: Với lớp 6 và 7 có thể triển khai ngay, còn lớp 8 và 9 nên lấy tỷ lệ 60% kiến thức trong sách, 40% bên ngoài, hoặc cao hơn là 50/50.

Tán thành với hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, song cô Nguyễn Thị Thúy, Trường THCS Lương Yên cũng bày tỏ, trừ một số giáo viên đã dạy sách giáo khoa mới còn lại vẫn cơ bản dạy theo truyền thống. Họ cần có sự thích nghi dần dần.

“Trong hướng dẫn của Bộ chỉ yêu cầu với các đề kiểm tra cuối kỳ, giữa kỳ, không bắt buộc 100% bài kiểm tra triển khai theo cách mới, song thực tế còn 4 bài kiểm tra thường xuyên. Như vậy, nhà trường có thể chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên kiểm tra kết hợp cả theo cách mới và cũ với 4 bài kiểm tra này để thầy và trò dần thích nghi”, cô Thúy trao đổi.

Đối với nhà trường cần bám sát hướng dẫn của Bộ, sở để chỉ đạo sát sao giáo viên; Tổ chức tập huấn, trao đổi chuyên môn cho giáo viên Tổ Văn; khuyến khích và yêu cầu giáo viên tiếp cận hướng dẫn mới và tự nghiên cứu học hỏi… Như vậy, khi giáo viên bước vào triển khai sẽ không bị bỡ ngỡ và hiệu quả.

Ở góc độ quản lý, cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), đề xuất, việc triển khai đổi mới trong kiểm tra, đánh giá dạy – học môn Ngữ văn cần phải có sự “đều tay” và nhất quán. Các sở GD&ĐT phải giám sát, kiểm tra mức độ triển khai của các trường để bảo đảm công bằng cho học sinh. “Có thể không cần phải tập huấn cho giáo viên nhưng các sở GD&ĐT phải có hướng dẫn chi tiết những vấn đề liên quan. Chẳng hạn, việc không dùng các tác phẩm trong sách giáo khoa để ra đề chỉ áp dụng khi thực hiện kiểm tra, đánh giá cuối kỳ hay bao gồm cả bài kiểm tra giữa kỳ, đánh giá thường xuyên?”, cô Vân lấy ví dụ.

Một điều nữa mà rất nhiều cán bộ quản lý như cô Kim Vân mong mỏi là không những đề thi tốt nghiệp THPT mà ngay cả các đề thi đánh giá năng lực, cũng cần phải có sự điều chỉnh trong sử dụng ngữ liệu, văn bản đối với môn Ngữ văn theo hướng không trích lại các tác phẩm đã có trong sách giáo khoa.

Tuy nhiên, theo cô Trần Thị Kim Vân, “ngữ liệu đề thi như thế nào gọi là chuẩn vẫn chưa có. Chưa kể, mỗi giáo viên lại có quan điểm, mức độ khác nhau trong yêu cầu đối với học sinh cũng như thẩm định, cảm nhận, phân tích ngữ liệu. Đề kiểm tra cuối mỗi học kỳ có sự phản biện trước tổ chuyên môn. Nhưng đề kiểm tra một tiết do mỗi giáo viên tự xây dựng. Có thể giáo viên này cho rằng đạt đến mức A là ở ngưỡng đánh giá nhận biết, nhưng giáo viên khác lại có yêu cầu cao hơn”. Những điều này, tổ chuyên môn Ngữ văn phải hỗ trợ ban giám hiệu trong thẩm định, đánh giá.

Cô Nguyễn Thị Nhin đề xuất nên lấy một phần hoặc lấy các văn bản cùng phong cách của 1 tác giả, cùng giai đoạn, cùng trào lưu văn học… thay vì thay thế hoàn toàn ngữ liệu trong sách giáo khoa. Mặt khác, trước khi triển khai đại trà, ban giám hiệu cần cùng tổ chuyên môn bàn họp, đưa ra những góp ý, đề xuất. Khi thực hiện vấn đề mới vào thực tiễn sẽ “bật” ra khó khăn nên nhà trường cần hỗ trợ kịp thời.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/khong-the-cham-tre-doi-moi-day-hoc-ngu-van-post603558.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/khong-the-cham-tre-doi-moi-day-hoc-ngu-van-post603558.html
Bài liên quan
Kỳ vọng khắc phục triệt để tồn tại trong giảng dạy môn Ngữ văn
Nhiều thầy, cô giáo kỳ vọng, việc Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn về đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn sẽ góp phần khắc phục triệt để những vấn đề còn tồn tại trong dạy và học bộ môn này.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cấp thiết đổi mới dạy Ngữ văn