Nếu nhắc đến một cái tên nổi bật trong làng Toán học Việt Nam, không thể bỏ qua Ngô Quý Đăng - tài năng trẻ sinh năm 2004. Cách đây 1 năm, Quý Đăng xuất hiện liên tục trên nhiều mặt báo vì đã đạt Huy chương Vàng thứ hai tại kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế (IMO) với điểm thi tuyệt đối 42/42 - thành tích mà phải 20 năm rồi Việt Nam mới lại giành được.
Được mệnh danh là "thần đồng", "cậu bé vàng của làng Toán học"… song Đăng vẫn luôn khiêm tốn và thấy ngượng khi nghe đến những biệt danh đó. Thay vì tự kiêu với những kết quả đã có, Đăng hài lòng với những gì đạt được và mong muốn bản thân sẽ còn tiến xa hơn trên con đường học tập.
Nếu gặp Đăng ngoài đời, nhiều người sẽ phải ngạc nhiên trước vibe mà chàng trai này mang lại! Bởi Đăng trò chuyện khiêm tốn, thẳng thắn và cũng rất biết quan tâm đến thế giới xung quanh - trái ngược với hình tượng người ta thường nghĩ về "thần đồng".
Năm 2023 của Đăng có rất nhiều thử thách và cảm xúc lẫn lộn. Đầu năm, mọi việc khá suôn sẻ khi chàng trai vẫn học ở ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Thế nhưng cho đến giữa năm, Đăng bắt đầu hành trình du học Pháp với suất học bổng toàn phần ở trường ĐH Sư phạm Paris. Ở cột mốc này, chàng trai có cơ hội đến thành phố mới, phải tự thích nghi về văn hoá cũng như phương pháp học tập khác trước đây.
Đăng tâm sự về quãng thời gian du học vừa qua:"Việc du học ảnh hưởng khá nhiều, đồng thời giúp mình trở nên tự lập và trưởng thành hơn. Trước khi du học, mình ít vào bếp lắm nhưng giờ phải học cách tính toán chi tiêu và nấu ăn thường xuyên.
Mình cũng trầm tính hơn so với thời gian còn ở Việt Nam, có lẽ do mình chưa thích nghi được hoàn toàn với môi trường mới, thấy các bạn vẫn còn xa cách. Mọi người dường như đều vô cùng bận rộn với việc học và cuộc sống cá nhân, thời gian trò chuyện và tiếp xúc không nhiều".
ĐH Sư phạm Paris là một trong những ngôi trường học thuật danh giá của Pháp. Với người có thành tích tốt như Đăng, ngôi trường này vẫn là thử thách khó nhằn khi chọn theo học.
So với quãng thời gian ở Việt Nam, Đăng phải thay đổi phương pháp học tập bởi việc tự đọc tài liệu là bắt buộc, nếu chỉ trông chờ hay ỷ lại vào giáo viên giảng bài trên lớp sẽ không đủ.
Mặc dù đã có khá nhiều thời gian học tiếng Pháp, song khả năng ngôn ngữ này của anh chàng chỉ ở mức vừa phải, đủ diễn đạt ý của bản thân chứ chưa theo kịp tốc độ trên lớp. Hạn chế ngoại ngữ khiến Đăng ngại giao tiếp với bạn bè, đồng thời ảnh hưởng phần nào đến việc nghiên cứu thêm tài liệu sau giờ học.
"Để thích nghi và theo được chương trình học vẫn khá áp lực với mình. Nhiều kiến thức nghe trên lớp thôi chưa đủ, còn phải đọc thêm tài liệu bên ngoài. Quá trình tự học khá khó khăn bởi không phải vấn đề nào mình cũng tìm được lời giải ngay", Đăng nói.
Khi làm quen với Đăng, bạn sẽ thấy được sự kiên định mạnh mẽ với những gì anh chàng muốn theo đuổi. Có được năng lực tốt thôi chưa đủ, nam sinh này đã luôn chăm chỉ và có quan điểm rõ ràng:"Không có cái gì học cho vui. Một khi đã học thì phải có mục tiêu".
Với Đăng, những thất bại để lại cho bản thân anh chàng nhiều bài học và cũng tạo động lực để tiến lên phía trước.
Năm lớp 10, Đăng từng đạt Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Toán học quốc tế. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có học sinh lớp 10 đạt thành tích ấn tượng như vậy ở đấu trường này.
Thế nhưng đến năm lớp 11, Đăng lại gặp cú sốc lớn khi trượt đội tuyển thi IMO, đến mức anh chàng đã bật khóc nguyên buổi chiều sau khi biết tin. Sau đó, Đăng chỉ cho mình buồn bã một thời gian và quyết định đi tiếp.
"Tất nhiên, mình hiểu đó là một phần của cuộc chơi thôi. Mình sẽ không bao giờ nghĩ do mình 'đen', thay vào đó mình sẽ nói là Việt Nam đã tìm được 6 bạn thí sinh xuất sắc hơn", Đăng nhớ lại.
Trước đó, nam sinh cũng tâm sự về khả năng trở lại Việt Nam làm việc và học tập: "Ngành Toán học Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh, tạo cơ hội nghề nghiệp rộng mở cho những du học sinh như mình về nước làm việc".
Nói thêm về những dự định trong thời gian tới, Đăng cho biết mục tiêu lớn nhất là hoàn thành các môn học tại trường với điểm số cao. Hiện tại, nam sinh vẫn chưa chọn được hướng nghiên cứu trong tương lai nên Đăng hy vọng thông qua các môn học yêu thích sẽ sớm tìm được điều mong muốn. Song song với việc học, chàng trai cũng muốn đặt chân đến nhiều vùng đất mới, đi du lịch và khám phá thêm nhiều quốc gia khác ở châu Âu.