Dự án cầu Cần Giờ ban đầu dự kiến kết hợp đầu tư giữa hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), với nguồn vốn khoảng 7.600 tỷ đồng và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) khoảng 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) loại hình thức BT, công trình phải tìm nguồn vốn đầu tư khác. Sở Giao thông - Vận tải hiện đang nghiên cứu đầu tư dự án theo hợp đồng BOT, hợp đồng BT (theo hình thức trả bằng tiền theo cơ chế của Nghị quyết 98 của Quốc hội) hoặc đầu tư công.
Dự kiến, dự án sẽ trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm 2023, khởi công xây dựng vào ngày 30/4/2025.
Dự án Cầu Cần Giờ có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 3,6 km, bắc qua sông Soài Rạp, nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè vào trung tâm Thành phố. Cầu có quy mô 6 làn xe. Công trình thiết kế dây văng 1 trụ tháp, phác họa hình tượng cây đước (đặc trưng của huyện Cần Giờ), sử dụng lan can hình tượng sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu, đồng thời thiết kế chiếu sáng nghệ thuật cho cầu.Cách đây 6 năm, Thủ tướng đồng ý giao Bộ Giao thông - Vận tải rà soát, bổ sung dự án này vào Quy hoạch Phát triển giao thông vận tải Thành phố đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020. Thành phố sau đó tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế cầu. Trong 17 thiết kế đưa ra, cầu có kiến trúc dây văng một trụ tháp hình cây đước - đặc trưng của Cần Giờ được chọn.
Năm 2022, Sở Giao thông - Vận tải kiến nghị UBND Thành phố giao nhiệm vụ, bố trí vốn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhằm sớm triển khai cầu Cần Giờ. Công trình khi hình thành sẽ phá thế độc đạo của phà Bình Khánh, tăng kết nối Nam Sài Gòn với Cần Giờ - huyện đảo duy nhất ở Thành phố. Ngoài đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hoá, công trình sẽ thúc đẩy phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch Cần Giờ.