Giáo dục

Cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn 'hay nhưng khó'

16/06/2024 12:17

Nhiều thầy cô giáo tại Hải Phòng cho rằng, đề minh họa cho cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với môn Ngữ văn rất hay nhưng khó.

Đổi mới trong dạy học và kiểm tra đánh giá

Năm 2025, học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp theo phương án 2+2 (2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn lựa chọn trong số các môn học còn lại). Đề thi môn Ngữ văn sẽ theo hình thức tự luận, gồm hai phần là: Đọc hiểu (4 điểm) và Viết (6 điểm). Thí sinh làm bài trong 120 phút.

Phân tích bảng năng lực và cấp độ tư duy của đề minh họa, cô Nguyễn Thị Là- Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Lão, huyện An Lão, TP Hải Phòng cho hay: Đề minh họa đánh giá 2 năng lực. Một là, năng lực Đọc (4,0 điểm) với 5 câu hỏi: 2 câu nhận biết, 2 câu thông hiểu, 1 câu vận dụng. Hai là, năng lực viết (6,0 điểm) với 2 câu hỏi: câu 1 viết đoạn nghị luận văn học; câu 2 viết bài nghị luận xã hội.

Về cấu trúc đề minh họa môn Ngữ văn, cô Là nhận định, đề minh hoạ đã kế thừa cấu trúc của đề thi theo Chương trình 2006. Theo đó, cấu trúc đề gồm 2 phần: Đọc hiểu (4 điểm) và Viết (6 điểm). Phần viết có câu nghị luận văn học (2 điểm) và nghị luận xã hội (4 điểm).

Phần đọc hiểu với văn bản văn học ngoài SGK, có 5 câu hỏi nhỏ được thiết lập theo ma trận: nhận biết, thông hiểu và vận dụng; Nội dung câu hỏi bám theo đặc trưng thể loại, có cả kiến thức tiếng Việt và phần liên hệ thực tế.

Phần viết: Câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn khoảng 200 chữ làm rõ một nội dung/khía cạnh trong ngữ liệu là văn bản văn học ngoài SGK; Đề có thể yêu cầu phân tích và đánh giá một văn bản, so sánh hai văn bản, phân tích làm rõ một đặc điểm của thể loại qua văn bản…

Câu nghị luận xã hội đặt vấn đề: Cuộc sống thường có những khó khăn, thử thách; đối mặt hay bỏ cuộc là lựa chọn của mỗi người. Đề yêu cầu thí sinh viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến về những khó khăn, thử thách đối với tuổi trẻ.

Nếu ngữ liệu đọc hiểu là văn bản nghị luận xã hội hoặc văn bản thông tin thì phần nghị luận xã hội yêu cầu viết đoạn văn, nghị luận văn học viết bài văn; Nếu ngữ liệu đọc hiểu là văn bản văn học hoặc văn bản nghị luận văn học thì phần nghị luận xã hội yêu cầu viết bài văn, nghị luận văn học viết đoạn văn.

Học sinh lớp 12 năm học 2023-2024 đang bước vào giai đoạn nước rút ôn thi tốt nghiệp THPT.
Học sinh lớp 12 năm học 2023-2024 đang bước vào giai đoạn nước rút ôn thi tốt nghiệp THPT.

Theo cô Là, đề minh họa môn Ngữ văn theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thể hiện rõ sự đổi mới trong dạy học lẫn kiểm tra đánh giá theo chương trình GDPT 2018.

Nội dung câu hỏi có độ bao phủ rộng chương trình, đáp ứng cả hai yêu cầu của kỳ thi: lấy điểm thi xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học.

Cấu trúc đề minh họa triệt tiêu văn mẫu so với đề thi tốt nghiệp THPT hiện nay. Ở câu nghị luận xã hội, học sinh được tự do sáng tạo, bày tỏ quan điểm của bản thân miễn sao hợp lý.

Theo đề minh hoạ, câu nghị luận xã hội chiếm số điểm nhiều hơn câu nghị luận văn học là một thay đổi mang tính đột phá bởi không phải học sinh nào cũng có sở thích, năng khiếu văn chương, khả năng giải mã ngôn từ để hoàn thành tốt câu nghị luận văn học.

Hay nhưng khó

Cô Nguyễn Thị Phương Lan- Giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Hải An, quận Hải An, TP Hải Phòng chia sẻ, Chương trình GDPT 2018 và Chương trình giáo dục 2006 có sự chuyển tiếp.

Cấu trúc định dạng đề thi môn Ngữ văn có nội dung thống nhất theo định hướng chung. Học sinh được phát triển kĩ năng đọc, viết, tránh học thuộc văn mẫu.

Cùng quan điểm, cô Bùi Thị Dung- Giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Kiến Thuỵ, huyện Kiến Thuỵ, TP Hải Phòng cho rằng, cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp 2025 đối với môn Ngữ văn tập trung đánh giá năng lực đặc thù của môn Ngữ văn (đọc và viết), có thể đánh giá năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo và năng lực thẩm mỹ của học sinh. Kì thi tốt nghiệp 2025 ưu tiên đánh giá kĩ năng đọc và viết, còn kĩ năng nói và nghe được thực hiện ở hình thức đánh giá thường xuyên.

Cô Dung cũng chia sẻ, cấu trúc định dạng đề thi môn Ngữ văn có điểm kế thừa ở việc đánh giá kĩ năng đọc và viết; ngữ liệu phần đọc hiểu văn bản ngoài SGK, viết nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Điểm đổi mới trong cấu trúc đề thi mới là câu hỏi đọc hiểu bám sát theo đặc trưng thể loại; nghị luận văn học là văn bản ngoài SGK, cách hỏi không áp đặt, chống học thuộc lòng và chép mẫu.

"Cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp 2025 môn Ngữ văn bám sát yêu cầu đánh giá của Chương trình GDPT 2018, phù hợp với năng lực, phát huy tính sáng tạo của học sinh. Đảm bảo tính kết nối của bộ môn Ngữ văn với thực tiễn đời sống.Trong quá trình học, nếu đảm bảo các yêu cầu đặt ra trong việc tiếp cận, đọc- hiểu theo đặc trưng thể loại, rèn kĩ năng viết, học sinh không khó để đạt được 7-7,25 điểm", cô Dung cho hay.

Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp theo chương trình mới.
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp theo chương trình mới.

Tuy nhiên, khi tiếp cận cấu trúc đề minh hoạ, nhiều thầy cô giáo bộ môn có một số vấn đề còn băn khoăn.

Theo cô Là, đề dùng 2 ngữ liệu khá dài, gây áp lực cho học sinh khi phải phản ứng nhanh, tức thì trong khoảng thời gian nhất định là 120phút. Bên cạnh đó, thí sinh trả lời 5 câu hỏi ở phần Đọc hiểu (thay vì 4 câu như đề thi Chương trình cũ), 1 câu nghị luận văn học và 1 câu nghị luận xã hội trong quỹ thời gian này là có phần quá tải.

Cô Phương Lan cũng nhận định, chương trình mới có đến 3 bộ SGK, kiến thức khá rộng khi đề ra tác phẩm ngoài chương trình rất khó cho học sinh. Giáo viên ủng hộ đưa tác phẩm ngoài chương trình vào bài thi nhưng để phần đọc hiểu, hoặc nên chăng là tác phẩm khác của một tác giả mà học sinh đã được học trong chương trình.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/cau-truc-dinh-dang-de-thi-tot-nghiep-mon-ngu-van-hay-nhung-kho-post669772.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/cau-truc-dinh-dang-de-thi-tot-nghiep-mon-ngu-van-hay-nhung-kho-post669772.html
Bài liên quan
Đại học Quốc gia TPHCM công bố cấu trúc bài thi đánh giá năng lực năm 2025
Từ năm 2025, cấu trúc bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM được điều chỉnh phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn 'hay nhưng khó'