Công dụng và liều dùng
Trong Đông y, bồ công anh có vị đắng, hơi ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, an thần, giải độc, tiêu viêm chữa các chứng mụn nhọt, sưng vú, áp xe, đầu đinh, bắp chuối, chốc lở, rôm sẩy.
Liều dùng hàng ngày: 20 - 30g lá tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nước và ít muối, gạn uống. Hoặc 10 - 15g lá phơi khô, sắc uống. Có thể nấu cao lỏng bồ công anh với tỷ lệ một phần dược liệu với 10 phần nước để dùng dần.
Bài thuốc
Chữa sưng vú: Bồ công anh (30g), lá mua non (20g), kim ngân hoa (10g), rễ đơn châu chấu (10g), rễ cây trôm (10g). Tất cả để tươi, giã nát, trộn với ít nước vo gạo, đắp băng, ngày một lần.
Hoặc bồ công anh (30g), sài hồ (12g), thiên hoa phấn (12g), quả dành dành (10g), sinh địa (10g). Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
Chữa nhọt, làm nhọt chóng mừng và vỡ mủ: Bồ công anh, phối hợp với lá na, lá ớt, lá đại bi, lá táo: Tất cả để tươi, mỗi thứ một nắm nhỏ (khoảng 30g) rửa sạch, giã với ít muối, đắp và băng.
Hoặc bồ công anh (30g), măng tre mới nhú (20g), gừng (5g). Sắc uống làm hai lần trong ngày. Đồng thời, lấy một khúc xương rồng bà có gai dài khoảng 10cm, nướng chín, giã với lá ớt, lá mồng tơi (mỗi thứ một dúm), đắp.
Chữa sưng tấy, mụn nhọt, lở ngứa: Bồ công anh (20g), sài đất (10g), quả ké đầu ngựa (10g), kim ngân hoa (10g), cam thảo đất (5g). Tất cả phơi khô, giã nhỏ, hãm với nước sôi, uống trong ngày.