(GDTĐ) - Cây xuyến chi tưởng như chỉ là loài cỏ dại nhưng lại mang đến nhiều công dụng tốt cho sức khỏe mà ít người biết.
Công dụng của cây xuyến chi đối với sức khỏe
Chống oxy hóa: Chiết xuất từ cây xuyến chi giàu chất chống oxy hóa giúp phòng ngừa bệnh tim mạch, ung thư đường tiêu hóa. Cũng chính thành phần chống oxy hóa của loài cây này được dùng trong các sản phẩm chăm sóc da, phòng ngừa các bệnh lý ngoài da.
Chống viêm: Thành phần flavonoid, nhất là quercetin trong cây xuyến chi có thể chống lại tổn thương do gốc tự do. Đây là chất có thể chống lại yếu tố gây viêm, thường có mặt trong các dược phẩm điều trị bệnh xương khớp.
Không những thế, dược phẩm có thành phần làm từ cây xuyến chi cũng có hiệu quả trong điều trị vết thương khó lành do bệnh tiểu đường, vết lở loét ngoài da. Thành phần kháng viêm trong dược liệu tự nhiên này giúp quá trình làm lành vết thương trở nên nhanh hơn.
Phòng ngừa huyết áp cao: Huyết áp cao có thể tiềm ẩn nguy cơ biến chứng suy tim, suy thận, đột quỵ,... Việc dùng cây xuyến chi sẽ hỗ trợ ổn định huyết áp, giảm thiểu nguy cơ này. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nghiên cứu trên động vật và vẫn cần có nghiên cứu chuyên sâu hơn để chứng minh về hiệu quả này đối với con người.
Chống nấm, kháng khuẩn: Chiết xuất tinh dầu từ cây xuyến chi có thể chống nấm, ức chế vi khuẩn tăng sinh. Vì thế, có thể dùng dược liệu này để sát khuẩn vết thương, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, giảm hình thành sẹo.
Tốt cho tim mạch: Thừa cân, vận động ít, béo phì, hút thuốc lá, tuổi cao,... dễ đối mặt với các vấn đề về tim mạch và tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, đột quỵ. Thành phần của cây xuyến chi giàu chất chống oxy hóa, chất xơ nên có thể phòng ngừa nguy cơ này.
Cải thiện chức năng tuyến tiền liệt: Nam giới dùng cây xuyến chi có thể tăng khả năng liên kết mô tuyến tiền liệt, khiến tuyến này co lại. Kết quả là các triệu chứng của bệnh phì đại tuyến tiền liệt như: tiểu són, tiểu gấp, tiểu khó,... được cải thiện
Một số bài thuốc dân gian có cây xuyến chi
Chữa các bệnh về đường tiêu hóa; Cây xuyến chi phơi khô và sắc lấy nước uống hằng ngày. Bạn có thể áp dụng bài thuốc trị kiết lỵ như sau: Lấy khoảng 100g đọt xuyến chi non đun sôi với 300ml và để uống như nước bình thường trong ngày (hoặc chia nhỏ làm 3 cữ uống). Có thể thêm đường hoặc mật ong cho dễ uống (nếu thích).
Chữa đau răng, viêm lợi: Ngâm 15g hoa xuyến chi cùng 200ml rượu trong vòng 1 tuần, sau đó lấy ra ngậm để điều trị bệnh.
Chữa đau lưng do hoạt động quá sức: Chuẩn bị 15g xuyến chi, 250g đại táo, 1L nước đun đến khi nước cạn còn một nửa thì chia đều thành 3 lần uống. Bài thuốc này có thể thêm mật ong để dễ uống hơn.
Hạ sốt: Đem 20g lá và hoa cây xuyến chi giã nát với 20g sài đất. Chắt lấy nước cốt cho trẻ uống, phần bã đắp lên trán để có công dụng hạ sốt nhanh chóng.
Trị ngứa do dị ứng: Đun 200g xuyến chi cùng với 1-5L nước để tắm. Nên tắm thường xuyên trong vòng từ 3-5 ngày để mau khỏi bệnh. Khi tắm, dùng bã dược liệu chà xát lên người để có hiệu quả tốt hơn.
Chữa viêm thận: Bài thuốc chữa viêm thận gồm có 15g cây xuyến chi đã được hấp cách thủy giã nát cùng với 1 quả trứng gà dùng để ăn hằng ngày.
Chữa viêm gan do virus: Xuyến chi và diệp hạ châu mỗi vị 20g; bồ bồ và cam thảo đất mỗi vị 15g; hạt dành dành 12g đem đi sắc lấy nước uống mỗi ngày 2 lần.
Trị đau nửa đầu: 30g xuyến chi, 20g trân châu mẫu, 3 quả đại táo làm sạch, sắc lấy nước và uống khi còn ấm để trị bệnh.
Chữa các bệnh về họng: Xuyến chi, sài đất, kim ngân hoa, cam thảo đất và lá húng chanh mỗi vị 15g làm sạch, sắc với nước uống. Mỗi ngày nên uống 2 lần, sau bữa ăn 20 phút và uống khi nước còn ấm.
Chữa đau nhức do phong thấp: Lấy khoảng 30–60g cây xuyến chi đem sắc lấy nước uống sau mỗi bữa ăn tù 2-3 lần/ngày. Để bài thuốc này phát huy công dụng tốt nhất nên uống theo một liệu trình từ 10-15 ngày.
Hỗ trợ điều trị tiểu đường: Lấy 500g cây xuyến chi đem rửa sạch và bỏ rễ, nấu cùng với 2 lít nước để uống mỗi ngày.
Sát trùng vết động vật, côn trùng cắn: Lấy 100g cây xuyến chi tươi sắc với 300ml đến khi nước đặc lại rồi chia thành 3 lần uống mỗi ngày, mỗi lần uống một ngụm nhỏ. Bên cạnh đó, bôi một lượng nhỏ dung dịch này lên vết rắn cắn để giúp kháng viêm, vết thương sẽ mau lành hơn.
Khi dùng cây xuyến chi, bạn nên lưu ý những gì?
Để sử dụng dược liệu đơn buốt một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín.
Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
Trước khi sử dụng nên rửa thật sạch để loại bỏ những bụi bẩn bám trên cây.
Không nên tùy tiện sử dụng cây xuyến chi cho phụ nữ mang thai khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
Một số người bị dị ứng với các thành phần trong xuyến chi cũng không được sử dụng dược liệu này làm thuốc.
Cây xuyến chi có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.
Chưa thấy tài liệu ghi nhận tác hại của xuyến chi.
Cây xuyến chi mang lại nhiều công dụng cho sức khỏe nhưng muốn sử dụng, bạn nên hỏi ý kiến người có chuyên môn. Nhiều nơi cũng dùng rau xuyến chi để ăn hàng ngày.