Trồng người

Cha mẹ giáo dục cảm xúc cho trẻ từ việc làm gương

Phạm Hoa 10/03/2024 08:42

(GDTĐ) - Giáo dục cảm xúc cho trẻ từ sớm sẽ giúp trẻ có được các kỹ năng cần thiết trong việc điều khiển cảm xúc, kiểm soát được tâm trạng buồn, vui của bản thân, tự đưa ra quyết định, mục tiêu, học được các thích nghi với mọi hoàn cảnh…

Cảm xúc của cha mẹ ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ

Giáo dục cảm xúc của bố mẹ không chỉ qua những gì bố mẹ nói và làm đối với con cái mà còn bằng tấm gương của bố mẹ trong quan hệ xúc cảm đối với nhau. Bố mẹ cần chỉ cho con thấy là có nhiều cách để phản ứng; dạy và giúp con chế ngự cảm xúc và tìm được cách giải quyết vấn đề theo lối tích cực.

Các bậc cha mẹ không nên để cảm xúc chi phối cách dạy con như: Khi tức thì quát tháo; Khi vui thì ngọt ngào; Không làm chủ được cảm xúc tiêu cực, cáu giận con liên tục khiến trẻ tức giận, rối trí, có thái độ thù địch rất tai hại cho việc phát huy những tiềm năng của trẻ và ảnh hưởng xấu đến tương lai…

Cảm xúc của cha mẹ ảnh hưởng đến việc cá nhân của trẻ

Nếu cha mẹ không biết kiềm chế cảm xúc yêu con quá mức sẽ dẫn đến con hư hỏng hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt nào đó (như khi phải xa cha mẹ đứa trẻ bị hụt hẫng về tình cảm, cảm thấy trống vắng).

Vì vậy, năng lực, cảm xúc của cha mẹ rất quan trọng cho sự hình thành nhân cách của trẻ, số phận của trẻ, bởi lẽ đó, cha mẹ phải rèn luyện cho mình năng lực cảm xúc để làm gương cho con và có những kỹ năng cần thiết để giúp con phát triển hài hòa tâm trí, thành đạt và hạnh phúc.

Tạo thói quen quan tâm, chia sẻ

Để cho con sau này là người có trí tuệ cảm xúc, việc đầu tiên mà cha mẹ cần phải làm đó là cần hình thành cho trẻ thói quen biết quan tâm, chia sẻ cả về công việc lẫn tình cảm với những người thân trong gia đình, hàng xóm, bạn bè…

Đây tưởng như là những công việc đơn giản nhưng trong đó chứa đựng cả sự kiên trì, tình yêu thương, trách nhiệm của cha mẹ với tương lai đứa con của mình.

Không nuông chiều quá mức

Hơn nữa cha mẹ cũng không được nuông chiều quá mức. Đối với trẻ, sẽ có rất nhiều đòi hỏi mà cha mẹ cần đáp ứng.

Nhưng trong những đòi hỏi của trẻ, sẽ có rất nhiều đòi hòi vô lý, trường hợp này cha mẹ không nên chiều. Đây chính là công việc giúp trẻ biết hạn chế cũng như điều khiển cảm xúc của chính mình.

Giáo dục cảm xúc cho trẻ từ sớm sẽ giúp trẻ có được các kỹ năng cần thiết trong việc điều khiển cảm xúc

Giải thích cảm xúc cho trẻ

Cha mẹ có thể giải thích cho bé hiểu sự liên quan giữa những hành vi của bé với cảm xúc của những người xung quanh.

Ví dụ, khi bé giành đồ chơi của bạn: “Thử tưởng tượng con là bạn, khi bị giật món đồ chơi mình rất quý, con cảm thấy thế nào?”.

Đó cũng chính là cách bạn giúp bé hiểu được cảm xúc của người khác cũng như của chính mình… Những thói quen tốt, dù rất nhỏ song sẽ hình thành cho trẻ một nhân cách đẹp và tâm hồn nhạy cảm.

Gọi tên cảm xúc

Nên giúp trẻ gọi tên cảm xúc của mình, xây dựng cho nó vốn từ vựng cảm xúc như buồn, vui, giận, lo sợ… Ví dụ, cho trẻ xem nhiều bức ảnh diễn tả các trạng thái cảm xúc khác nhau và giải thích.

Nếu trẻ thất vọng vì mất đồ chơi, đừng bảo nó là “không sao đâu, đừng khóc” mà hãy tận dụng cơ hội này dạy trẻ, các khái niệm về xúc cảm.

Ví dụ, hãy hỏi trẻ có thích đồ chơi ấy không, tại sao, như vậy con bạn sẽ bộc lộ, miêu tả được cảm xúc dưới nhiều góc độ hơn.

Dạy con quan sát cảm xúc người xung quanh

Nên để trẻ quan sát cảm xúc của người xung quanh, chẳng hạn như “Hôm qua bà nội vui lắm, bà cười nhiều. Tại sao bà vui? Vì cu Tí biết nhường đồ chơi cho em…”. Như vậy, trẻ không chỉ nhận biết cảm xúc của người khác mà còn hiểu nguồn gốc những cảm xúc đó, cũng như ảnh hưởng của cảm xúc đó đến mọi người. Từ đó, trẻ sẽ biết điều chỉnh cảm xúc, hành vi của mình – một khả năng rất cần thiết để thành công trong cuộc sống.

Với trẻ dưới 6 tuổi, cần hạn chế tối đa sự trừng phạt (nhưng phải chỉ ra lỗi) và hào phóng, thậm chí không giới hạn lời khen, miễn là khen có lý. Với trẻ nhỏ, đừng lạm dụng lời giáo huấn vì “Không phải lời giáo huấn, mà chính sự trải nghiệm sẽ có tác dụng với trí tuệ cảm xúc của trẻ”.

Tùy từng trường hợp cụ thể, người làm cha mẹ sẽ biết nên nói với con như thế nào. Điều quan trọng là để dạy con về trí tuệ cảm xúc, cha mẹ không thể là người “vô cảm”. Bạn phải cho trẻ được tắm mình vào môi trường cảm xúc, bạn nhất thiết phải dành thời gian cho con.

Bài liên quan
Giáo dục là nền tảng cho sự phát triển
Nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), chiều 20/11, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau tổ chức họp mặt các thế hệ nhà giáo, các cán bộ, nguyên cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục qua các thời kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cha mẹ giáo dục cảm xúc cho trẻ từ việc làm gương