Nhiều địa phương đã hoàn tất công tác chấm thi tốt nghiệp THPT, chuyển dữ liệu về Bộ GD&ĐT, chuẩn bị công bố điểm ngày 17-7. Dưới đây là những lưu ý cho các thí sinh...
Ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, các địa phương đã bắt tay vào công tác chấm thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo đúng tiến độ Bộ GD&ĐT đề ra.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2024-2025 tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Điểm thi tốt nghiệp THPT công bố ngày 17-7
Ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh đã hoàn tất chấm thi tốt nghiệp THPT từ hôm thứ 3 (9-7) và gửi dữ liệu về Bộ GD&ĐT.
Toàn tỉnh có có 33.490 thí sinh dự thi. Để phục vụ cho công tác chấm thi, đối với ban chấm thi tự luận, Sở GD&ĐT huy động 150 giáo viên và 23 cán bộ ban chấm thi trắc nghiệm.
Quy trình tổ chức chấm thi tốt nghiệp THPT được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc.
Tại Quảng Nam, ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT cho toàn bộ bài thi của hơn 17.000 thí sinh đã được chấm xong và gửi dữ liệu về Bộ GD&ĐT.
Kỳ thi tốt nghiệp năm 2024, toàn tỉnh Quảng Nam có 17.424 thí sinh dự thi, trong đó có 16.460 thí sinh dự thi tốt nghiệp và xét đại học, cao đẳng; thí sinh chỉ thi tốt nghiệp là 134 em.
TP HCM, địa phương có lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đông thứ hai cả nước với hơn hơn 90.000 em, đã hoàn thành công tác chấm thi tốt nghiệp THPT.
Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết việc rà soát, ráp phách, lên điểm đang được thực hiện. Dữ liệu điểm thi đang được hoàn thiện để gửi về Bộ GD&ĐT.
Với số lượng thí sinh khá lớn, để đảm bảo tiến độ chấm thi tốt nghiệp THPT Bộ GD&ĐT đề ra, TP đã huy động một số lượng lớn giáo viên, nhân viên tham gia.
Theo kế hoạch, chậm nhất ngày 12-7, các hội đồng chấm nộp về Bộ GD&ĐT đĩa CD chứa dữ liệu kết quả chấm thi trắc nghiệm.
Chậm nhất 17 giờ ngày 14-7, 63 tỉnh thành phải hoàn thiện mọi công đoạn chấm thi và gửi dữ liệu điểm thi về Bộ GD&ĐT.
Theo kế hoạch, đúng 8 giờ ngày 17-7, Bộ GD&ĐT sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã diễn ra trong 2 ngày 28 và 29-6 với hơn 1 triệu thí sinh dự thi.
Trong tổng số thí sinh dự thi năm nay, có đến 63% thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân), tức hơn 670.000 thí sinh. Số lượng này cao nhất trong nhiều năm qua. Còn lại, chỉ có 37% thí sinh đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học).
Mốc thời gian thí sinh lưu ý sau khi biết điểm thi
Những mốc thời gian, phụ huynh và học sinh cần lưu ý sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT:
Phúc khảo bài thi
Thí sinh muốn phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT sẽ nộp hồ sơ từ 17-7 đến hết ngày 26-7 tại các đơn vị đăng ký dự thi. Sau đó, chậm nhất ngày 4-8 sẽ hoàn thành công tác tổ chức phúc khảo bài thi và công bố kết quả.
Đăng ký xét tuyển đại học
Chậm nhất ngày 25-7: Thí sinh thực hành đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển và nộp lệ phí trên hệ thống.
Từ ngày 18-7 đến 17 giờ ngày 30-7: Thí sinh chính thức thực hiện đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển(không giới hạn số lần).
Chậm nhất ngày 21-7, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
Chậm nhất 17 giờ ngày 22-7: Cơ sở đào tạo ngành giáo viên và sức khỏe hoàn thành việc điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (nếu có).
Từ 31-7 đến 17 giờ ngày 6-8: Thí sinh thực hiện nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.
Từ 13-8 đến 17 giờ ngày 17-8: Bộ GD&ĐT thực hiện xử lý nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống (lọc ảo).
Chậm nhất 17 giờ ngày 19-8: Các cơ sở đào tạo công bố thí sinh trúng tuyển đợt 1.
Chậm nhất 17 giờ ngày 27-8: Thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Từ ngày 28-8, các cơ sở đào tạo thông báo tuyển sinh đợt bổ sung.
Từ tháng 9 đến tháng 12, các cơ sở đào tạo xét tuyển các đợt tiếp theo và cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.
Thí sinh bị mất điểm môn Văn vì những lỗi nào? Theo nhiều giám khảo tham gia chấm thi, phần đọc hiểu, học sinh thường bị mất điểm câu 1,2 dù rằng đây là hai câu hỏi ở mức nhận biết. Nguyên nhân do các em đọc không kỹ văn bản và câu hỏi nên ghi câu trả lời chưa phù hợp, thừa so với đáp án. Phần làm văn, câu nghị luận văn học, đa số các em phân bố thời gian chưa hợp lý dẫn đến phân tích đoạn thơ theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”, 9 câu đầu được phân tích kĩ, 9 câu sau thì phân tích sơ sài hoặc không phân tích. Nhiều học sinh làm chưa tốt nội dung phân hóa, nâng cao của câu nghị luận văn học. Các bài văn bị điểm dưới trung bình thường không làm câu nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học hoặc cả hai câu phần viết. Các bài văn đạt điểm cao vận dụng tốt kiến thức đã học, giải quyết tốt yêu cầu phân hóa của đề thi, lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, có sự sáng tạo trong suy nghĩ và hành văn. |