Nhấn mạnh đến việc xây dựng tốt mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nhìn nhận, lâu nay trong mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình, chúng ta đòi hỏi nhiều về trách nhiệm của phụ huynh mà quên rằng phụ huynh cũng cần phải hiểu về mục tiêu của nhà trường. Họ cần có thông tin minh bạch để tạo niềm tin, cùng hướng đến các giá trị chung mà con em mình được thụ hưởng.
“Văn hóa học đường phải được xây dựng trong thời gian dài và có nền tảng. Những quyết định chưa thoả đáng sẽ kéo đến các chuẩn mực giá trị thay đổi và văn hóa học đường cũng thay đổi theo”, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nhận định.
Quan ngại trước tình trạng bạo lực học đường có diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là trẻ muốn nhận được sự chú ý nhiều hơn. Thực tế này đòi hỏi môi trường giáo dục cần đáp ứng nhu cầu của các em. Mỗi trẻ đều có năng lực, năng khiếu ở một số bộ môn, lĩnh vực. Môi trường giáo dục cần tạo điều kiện để công nhận, khuyến khích năng lực cá nhân đó.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Cảnh, dù là hoạt động cá nhân hay trong nhóm cần xây dựng cơ chế để học sinh có cơ hội được xuất hiện mỗi tháng một lần trước lớp, mỗi năm một lần trước trường. Qua đó, tạo điều kiện để các em thể hiện bản thân, được hòa nhập với các bạn và thỏa mãn nhu cầu được công nhận. Không dừng lại ở đó, hoạt động trên còn giúp học sinh có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày trước đám đông. Đây là những kỹ năng mà học sinh, sinh viên đang thiếu.
Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội đoàn Bình Định cho rằng, cần phân định rõ việc nào thuộc trách nhiệm của gia đình, nhà trường. “Cha mẹ cần tập trung chăm sóc, làm gương tốt cho con; theo dõi, nhắc nhở các trẻ thực hiện những gì thầy, cô giáo đã dạy. Giữa nhà trường và gia đình cần có sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ để trẻ được phát triển toàn diện”, ông Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh.
Cho rằng, bạo lực học đường trở thành vấn nạn, bà Bố Thị Xuân Linh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) đồng thời đề cập đến tình trạng trẻ em bị xâm hại cũng ngày càng tăng. Qua báo cáo của các ngành cho thấy, tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em năm 2023 tăng so với năm 2022 và chiếm trên 43%. Do vậy, Chính phủ và các Bộ, ngành cần có chính sách ngăn chặn tình trạng này. Trong đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường cũng như xâm hại trẻ em.
Ngay trong Tháng Hành động vì trẻ em năm nay, bà Bố Thị Xuân Linh đề nghị các cấp, ngành phải có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể và tổ chức rộng khắp, thiết thực hướng về trẻ em nhằm ngăn chặn thực trạng nêu trên. Các chương trình, hoạt động này cần được tổ chức thường niên và tập trung trọng tâm vào Tháng Hành động vì trẻ em.
“Tôi thấy, trẻ em nước ngoài sau khi học thuộc bài hát ABC thì học tiếp bài hát Please, sory, thanh you. Tôi đề nghị, các lớp mầm non cũng nên quan tâm, sau khi dạy trẻ biết chữ cái ABC cần dạy tiếp cách nói: Xin vui lòng, xin lỗi, cảm ơn để trẻ sớm biết cách nói lễ phép, ứng xử văn minh trước khi học bảng cửu chương hay học lập trình vi tính…”, ông Nguyễn Văn Cảnh đề xuất.