Chấn hưng thói quen đọc sách

Trần Hoà | 24/02/2022, 18:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mỗi năm, một người dân Việt Nam chỉ đọc khoảng một cuốn sách – đó là con số đáng ngại, cũng là bài toán nan giải trong việc chấn hưng thói quen đọc sách.

Cần loại bỏ khỏi thị trường những cuốn sách nhảm để nuôi dưỡng tình yêu đọc sách. Ảnh minh họa: IT.Cần loại bỏ khỏi thị trường những cuốn sách nhảm để nuôi dưỡng tình yêu đọc sách. Ảnh minh họa: IT.

Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới. Giai đoạn từ năm 2014 - 2019, tỉ lệ đọc của người Việt tăng từ 4,1 đầu sách/người lên 4,6 đầu sách/người. Năm 2020, do dịch bệnh Covid-19 nhiều nước tăng tỉ lệ đọc sách, nước ta thì ngược lại.

Người Việt lười đọc

Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, trong Tọa đàm trực tuyến “Văn hóa đọc và phát triển ngành Xuất bản trong tương lai”, cho biết: Sau 7 năm, tỉ lệ đọc của người Việt chỉ tăng vỏn vẹn 12%.

Hơn 400 triệu bản sách phát hành đã có hơn 300 triệu bản sách giáo khoa, sách tham khảo. Nếu lấy phần còn lại chia đều cho 90 triệu dân Việt Nam, phần sách phổ thông có lẽ chỉ xông xênh 1 đầu sách/người. Chỉ số này chứng minh sức đọc của người Việt rất thấp.

Trong danh sách 61 quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới, có 3 quốc gia Đông Nam Á, gồm: Singapore, Malaysia và Indonesia, không có Việt Nam. Ông Hoàng cho rằng, tỉ lệ đọc của một số quốc gia Đông Nam Á cao vì có chính sách phát triển thói quen đọc.

Tại Malaysia, học sinh tiểu học luôn đọc sách 15 phút trước khi vào giờ học. Ở Hàn Quốc, cha mẹ đọc sách cùng con ít nhất 3 ngày/tuần, mỗi lần khoảng 30 phút. Tại Thái Lan, một khảo sát trên 55.000 người chỉ ra thời gian đọc trung bình ở các độ tuổi lần lượt là: 71 phút/tuần với trẻ em, 94 phút/tuần với thanh nhiên, 61 phút/tuần với người lao động. Và tại Malaysia, tỉ lệ đọc của người đã lên đến 17 đầu sách/năm.

Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đưa ra nguyên nhân, sở dĩ văn hóa đọc của người Việt thấp là do chúng ta không chịu khó hình thành thói quen đọc ngay từ nhỏ. Tại các quốc gia phát triển, bất cứ nơi nào, từ nhà chờ xe buýt đến ga tàu điện, từ quán nước đến công viên đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân nhiều độ tuổi tranh thủ đọc sách.

Việt Nam không thiếu thư viện từ công cộng đến trường học, đầu sách cũng rất đa dạng, nhưng tại sao không thu hút được độc giả, nhất là người trẻ?

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉ lệ người dân Việt Nam sử dụng thư viện công cộng rất thấp, chỉ 0,057 dân số, tương đương khoảng 564.000 người/90 triệu dân. Nếu so với mục tiêu phấn đấu 85% người dân (trong đó 90% là học sinh, sinh viên) sử dụng thư viện theo đề án mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/3/2019, thì độ vênh vô cùng lớn.

Chấn hưng văn hóa đọc

Để chấn hưng văn hóa đọc, điều đầu tiên là phải có sách hay và đáng đọc. Cùng với đó là loại bỏ khỏi thị trường những cuốn sách dở - nhảm. Đó là cách ứng xử để mỗi cá nhân nuôi dưỡng thói quen và sở thích đọc lành mạnh. Đồng thời, cũng là nền tảng của một xã hội học tập - một yêu cầu của xã hội hiện đại.

Trước thực trạng tỉ lệ đọc sách quá thấp, Việt Nam từng có nhiều mô hình nhằm cải thiện tình hình. Tuy nhiên, tỉ lệ đọc sách ở người dân vẫn không đáng kể.

Thực tế cho thấy, nhiều tủ sách cộng đồng, tủ sách nhà văn hóa và thậm chí là tủ sách trường học… vẫn chỉ để trưng bày cho có. Người dân còn nhiều thứ phải lo hơn là ngồi đọc sách.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cảnh báo: “Dúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ 14, 15 tuổi trước nay chưa từng được nghe chuyện, chưa từng sờ tới sách, suốt ngày chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả là một việc quá muộn màng”.

Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là một trong những vấn đề được nêu tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ bảy nhiệm kỳ 2017 - 2022, diễn ra sáng 18/2 tại Hà Nội.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - khẳng định, phát triển văn hóa đọc là điểm nhấn của hội trong thời gian qua. Trong đó, mô hình đường sách không chỉ là nơi lan tỏa văn hóa đọc, mà còn kết nối hội với các thành viên, đơn vị xuất bản.

Theo ông Bảo, đường sách là mô hình hay, cần nghiên cứu, tổng kết để xem từng địa phương nên xây dựng đường sách hay mô hình nào phù hợp, nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.

Một trong những giải pháp để khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra là tập trung xuất bản điện tử. Đồng thời xây dựng ngành Xuất bản hiện đại, phát triển theo hướng công nghiệp xuất bản, vừa mang giá trị tư tưởng, vừa mang giá trị kinh tế.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books - cho rằng, một quốc gia muốn phát triển, người dân phải có tri thức. Đọc sách là con đường ngắn và tốt nhất để dẫn tới tri thức, làm giàu vốn hiểu biết.

Chính vì thế, ngày 22/2 tại Hà Nội, lễ phát động dự án “Khuyến đọc Việt Nam” nhằm chấn hưng thói quen đọc sách. “Nếu văn hóa đọc không phát triển, ngành sách sẽ đi về đâu? Nếu ngành sách đóng cửa, đất nước sẽ đi về đâu?”, ông Hùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho hay: Các đơn vị làm sách rất nhiều, thị trường sách đa dạng, nhưng ngành Xuất bản vẫn chưa đạt được kỳ vọng đề ra bởi văn hóa đọc trong nước chưa phát triển.

Sách là con đường dẫn đến trí tuệ và dự án “Khuyến đọc Việt Nam” chính là tiền đề cho việc chấn hưng toàn ngành và đưa đất nước phát triển phồn vinh.

Tuy nhiên phải thấy rằng, có rất nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ đọc sách ở Việt Nam luôn ở mức thấp. Ngoài các yếu tố khách quan, một nguyên nhân được nhiều người đánh giá chính là sức hấp dẫn của nội dung sách.

Sách do tác giả Việt kém hấp dẫn, những tác phẩm không có giá trị, không có chân lý “nối đuôi” nhau ra đời. Điều này dẫn tới thực trạng lạm phát sách, sách nhiều mà người đọc vẫn ít.

Bài liên quan
Có nên mua máy đọc sách?
(GDTD) - Máy đọc sách là một thiết bị tiện lợi bởi sự nhỏ gọn và dễ sử dụng. Tuy nhiên, nó chưa hỗ trợ tối ưu cho thị trường Việt Nam và không bán kèm củ sạc.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chấn hưng thói quen đọc sách