Duyệt kịch bản và cấp giấy phép là chuyện hiển nhiên ở mọi quốc gia, thế nhưng nội dung phim có phù hợp với lịch sử và bối cảnh quốc gia đó hay không lại là bài toán khó, đặc biệt với các đoàn phim nước ngoài.
Việt Nam được kỳ vọng đang có những thay đổi thuận lợi hơn đối với các nhà làm phim quốc tế. Việt Nam từng cho phép Pháp quay liền 3 bộ phim: Người tình, Điện Biên Phủ và Đông Dương. Sau khi những bộ phim này phát hành, số lượng du khách đến Việt Nam gia tăng.
Mới đây, 2 bộ phim thực hiện ở Việt Nam là phim “Kong đảo Đầu lâu” và “Hành trình tình yêu của một du khách” cũng tác động rất lớn. Phát hành vào ngày 21/4 vừa qua, chỉ sau một tuần Netflix công bố bộ phim này xếp thứ ba trong tốp 10 phim hàng đầu các phim được khán giả khắp thế giới xem nhiều nhất.
Thu hút khách du lịch đến thăm địa danh sau một bộ phim đình đám đã là chân lý, nhưng làm thế nào để lan toả văn hóa từ phim trường mới là việc phải bàn. Việt Nam không có những phim trường được đầu tư ấn tượng như Trung Quốc, nhưng có “phim trường tự nhiên” đẹp không kém, đó là các danh thắng trải dài từ Bắc vào Nam.
Nếu như Trung Quốc đầu tư hàng trăm triệu USD vào các phim trường, như: Hoành Điếm, Vô Tích, Thượng Hải… mang đặc trưng văn hóa Trung Hoa, thì Việt Nam có thể đầu tư văn hóa tại những địa phương được đoàn làm phim nước ngoài lựa chọn.
Tuy nhiên, điều này lại phụ thuộc vào tầm nhìn và chiến lược phát triển văn hóa của chính quyền địa phương. Có thể nói rất ít địa phương có phương án đầu tư văn hóa tại các địa điểm diễn ra bối cảnh phim. Cho nên, khi du khách kéo đến “phim trường tự nhiên”, ngoài cảnh quan thiên nhiên thì hầu như không còn gì để cảm nhận.
Cái “bắt tay” giữa du lịch và điện ảnh đã gần, nhưng khi chưa có sự chung tay của văn hóa thì chưa thể thành “kiềng ba chân”. Bởi vậy, đạo diễn Lương Đình Dũng từng kể đại ý rằng, một doanh nghiệp ở miền Trung tổ chức sự kiện với chi phí tới gần 7 tỉ đồng. Lãnh đạo tỉnh ấy rất vui vì nghĩ rằng thương hiệu tỉnh mình sẽ bay xa, mà không biết rằng nó chỉ quẩn quanh ở sự kiện vui chơi ca hát, xong tiệc cũng là hết phim.
Khi điện ảnh và du lịch liên kết với nhau, việc thu hút khách đến là điều dễ thấy, nhưng những gì tốt đẹp của văn hóa đọng lại trong du khách mới đáng quan tâm. Kích cầu du lịch cần song hành với nhiệm vụ lan toả văn hóa từ chính nơi xuất phát của bộ phim - đó là vòng tuần hoàn của sự phát triển cân bằng và bền vững.
“Các bộ phim giúp mang hình ảnh thiên nhiên xinh đẹp đến với khán giả. Phim là cầu nối cho các hoạt động trao đổi văn hóa. Phim ảnh giúp khán giả nhìn vào văn hóa, truyền thống và lối sống của một quốc gia. Bằng cách kể các câu chuyện về phong tục, truyền thống, lễ hội và sự kiện lịch sử địa phương, các bộ phim tạo ra sự tò mò và quan tâm cho người xem. Điều này khuyến khích du khách khám phá các địa điểm thực tế, tương tác với cộng đồng địa phương và đắm mình trong văn hóa được miêu tả trên màn ảnh” - bà Phan Cẩm Tú - Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam.