Trong một lần xem tivi, thấy người khuyết tật viết bằng chân, anh Sỹ Long đã ước mình cũng có thể viết được. Người ta không có tay thì viết bằng chân, còn anh không có cả tay lẫn chân thì... viết bằng miệng.
"Tôi nhờ mẹ lấy sổ, bút để tập ngậm vào miệng và viết. Lúc đó, mọi người đều nghĩ tôi đang mơ mộng viển vông. Thế nhưng, với quyết tâm của mình, tôi đã bắt đầu viết được những nét chữ đầu tiên" - Sỹ Long nhớ lại.
Lúc đầu chưa quen, mỗi lần ngậm bút như vậy, anh thấy đau buốt, ê răng và mỏi cổ. Hai bàn tay khua, đôi bàn chân tỳ xuống giường, đôi mắt tập trung cao độ nhưng cảm giác đau đớn như bị ai cắt da cắt thịt cứ hành hạ.
“Có khi, hàng tháng trời Long chỉ có thể uống nước cháo loãng vì miệng đau do ngậm bút quá nhiều. Mắt cũng mờ dần khi phải nhìn quá gần. Khổ cực là vậy, thế nhưng, không chỉ tập viết, Long còn tập vẽ tranh, tô màu nữa. Nhiều lúc thương con, nhưng thấy con quyết tâm nên đành động viên con cố gắng” - cô Trần Thị Hà, mẹ của Long, chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở tập viết, tập vẽ, Phạm Sỹ Long bắt đầu nghĩ đến những mục tiêu lớn hơn. Năm 2010, anh Long bắt đầu viết cuốn hồi ký bằng miệng, gần 800 trang về cuộc đời của mình.
Năm 2013, được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, Phạm Sỹ Long đã xuất bản tập thơ “Miền khát vọng” với 32 bài thơ và năm 2020 xuất bản truyện dài “Không chỉ là giấc mơ”.
Với mong ước truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khuyết tật, anh còn mở lớp hỗ trợ cho các bạn đồng cảnh, giúp các bạn tự tin hoà nhập và có việc làm qua câu lạc bộ “Thức tỉnh giọng nói bên trong bạn”.
Nhiều người tìm đến Phạm Sỹ Long không chỉ để học một số kỹ năng cơ bản trong giao tiếp, thuyết trình mà còn mong muốn được nghe anh truyền cảm hứng sống. Sự xuất hiện bất ngờ của chính những học viên trong lớp học ấy tại trường quay của Trạm yêu thương đã mở ra nhiều câu chuyện thú vị về chàng trai khuyết tật giàu nghị lực.
Phạm Sỹ Long cho biết, trong tương lai anh sẽ tiếp tục hành trình truyền cảm hứng của mình, đặc biệt là giúp những bạn trẻ, những người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.