ChatGPT đạt điểm kém khi làm đề thi của sinh viên ở Việt Nam

PV | 10/02/2023, 10:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Khi cho ChatGPT làm thử đề thi học kỳ môn Luật sở hữu trí tuệ, gần như không thể phát hiện ra đây là câu trả lời do AI viết dù câu trả lời không tốt.

ChatGPT giúp sinh viên làm bài thi nhanh, nhưng vẫn còn lỗi sai dùng từ và trả lời thiếu trọng tâm. Ảnh: Unsplash.

Sau hơn 2 tháng ra mắt, ChatGPT vẫn là chủ đề thu hút các học giả, nhà báo, nhà giáo dục, thậm chí cả những người làm việc trong ngành luật, kinh tế… Sản phẩm của công ty OpenAI được đánh giá thông minh với khả năng hiểu câu hỏi của người dùng và đưa ra câu trả lời chỉ sau vài giây.

Tuy nhiên, ChatGPT vẫn gây ra nhiều mối lo ngại vì nó có thể đưa ra gợi ý và thúc đẩy những hành vi có hại, ví dụ như sản xuất, vận chuyển chất cấm. Trong giáo dục, ChatGPT cũng được cho là đang “tiếp tay” cho học sinh, sinh viên vì các em có thể tìm câu trả lời cho mọi câu hỏi, đề thi từ siêu ứng dụng này.

Để tìm hiểu liệu ChatGPT có thực sự giúp sinh viên làm bài thi đạt chuẩn hay không, thử cho ứng dụng này làm một số câu hỏi trong đề thi môn chuyên ngành bậc đại học và nhờ các giảng viên nhận xét, đánh giá.

AI làm bài như sinh viên kém

Đầu tiên, Zing cho ChatGPT làm một câu hỏi tình huống trong đề thi học kỳ môn Luật sở hữu trí tuệ của Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM). Câu hỏi và phần bài làm cụ thể của ChatGPT như sau.

dao van bang ChatGPT anh 1

Do phần trả lời chưa hoàn thiện, tiếp tục gợi ý thêm 2 câu dựa theo những dữ kiện của ứng dụng này đưa ra để nhận thêm câu trả lời mới, ghép lại để tạo thành một bài làm hoàn chỉnh.

dao van bang ChatGPT anh 2

Khi đọc phần bài làm của ChatGPT, ThS Trần Minh Tú, giảng viên Luật của Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho ứng dụng này 30% số điểm. Theo cô, ChatGPT “ăn điểm” nhờ xác định đúng vấn đề pháp lý.

Tuy nhiên, bài làm vẫn mắc các lỗi như dùng sai thuật ngữ như “bảo hộ trí tuệ” hay “chuyên gia về luật sư". Bài làm cũng thiếu việc sử dụng văn bản pháp luật, lẫn lộn giữa các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, phần trả lời của ChatGPT lòng vòng không đi vào trọng tâm và không giải quyết được vấn đề pháp lý mà đề bài đưa ra.

Cô Tú nói rằng cô gần như không thể phát hiện đây là câu trả lời do AI viết ra, trừ một số lỗi sai về mặt thuật ngữ và trình bày lòng vòng. Lý giải điều này, cô Tú cho biết nhiều sinh viên hiện nay có lối hành văn và lý luận lủng củng, làm bài sai vấn đề không khác gì AI nên nếu chỉ nhìn qua, giảng viên rất khó phân biệt đâu là bài làm của sinh viên, đâu là bài làm của AI. Nếu so sánh với bài làm của sinh viên khá, giỏi, giảng viên có thể phân biệt dễ hơn.

Tiếp đến, ChatGPT được yêu cầu làm 2 câu ứng dụng trong đề thi môn Marketing quốc tế. Đề bài và phần bài làm của ChatGPT cụ thể như sau.

Chung quan điểm với ThS Trần Minh Tú, ThS Trần Hồng Nhung, giảng viên khoa Marketing của Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng cho rằng nếu chỉ nhìn qua mà không có công cụ kiểm tra, giảng viên rất khó nhận ra đây là bài làm do AI viết. Dù vậy, cô Nhung vẫn không đánh giá cao phần bài làm này.

Cụ thể, hai câu hỏi đều yêu cầu ChatGPT đưa ra chiến lược marketing mix nhưng câu 1 sai hoàn toàn, câu 2 lại trả lời đúng về mặt lý thuyết. Do đó, cô Nhung chấm 0/10 điểm cho bài làm của câu 1.

Ở câu số 2, ChatGPT nêu được đúng 4 chữ P (product, price, place, promotion) trong marketing mix nhưng phần áp dụng lại khá sơ sài. Siêu ứng dụng cũng hiểu sai bản chất của từng chữ P nên câu trả lời chưa chính xác.

Theo cô Nhung, bài làm trên của ChatGPT vẫn kém hơn trung bình sinh viên Marketing vì đa số sinh viên đều nắm được lý thuyết trong hai câu hỏi này. Sinh viên cũng trả lời phần áp dụng tốt hơn vì các em hiểu được rằng nếu muốn đạt điểm cao, thí sinh phải trả lời cụ thể hơn. Ngoài ra, so với ChatGPT, sinh viên cũng có nhiều trải nghiệm thực tế hơn để đưa ra ra các ví dụ, giúp câu trả lời chặt chẽ, thuyết phục hơn.

ChatGPT vẫn chưa thể thay thế con người

Bàn về mối lo của nhiều nhà giáo dục rằng ChatGPT có thể giúp sinh viên gian lận, cô Trần Minh Tú nhận định nếu “gian lận” chỉ dừng ở mức giúp sinh viên không nộp bài giấy trắng, ChatGPT vẫn có thể giúp một tay. Nhưng để làm được các bài luận tầm cao, đòi hỏi sinh viên phải tự tìm giải pháp và nêu quan điểm cá nhân, hiện tại ChatGPT vẫn chưa thể hỗ trợ hay thay thế con người hoàn toàn.

Tuy nhiên, đó chỉ là đánh giá trong bối cảnh hiện tại và tầm nhìn ngắn hạn. Nếu tính đến tương lai dài hạn, giảng viên không thể chủ quan vì ngay từ khi ra mắt, công cụ AI đã hứa hẹn có thể tự học hỏi để tiến bộ hơn. Do đó, rất có thể sau này khi được cải tiến, ChatGPT có thể thực hiện những tác vụ khó, phức tạp hơn.

Tương tự, cô Trần Hồng Nhung cũng nhận xét ChatGPT có thể giúp sinh viên trả lời tốt các câu hỏi lý thuyết. Nhưng khi thực hiện các đề bài mang tính ứng dụng thực tế, công cụ AI này vẫn chưa thể giúp sinh viên đưa ra câu trả lời thuyết phục.

Do đó, để tránh tình trạng sinh viên gian lận bằng ChatGPT hoặc các công cụ AI khác, giảng viên có thể tính đến việc thay đổi phương thức ra đề với nhiều câu hỏi mang tính phân tích, suy luận nhiều hơn, thay vì chỉ đặt những câu hỏi thuần lý thuyết. Tuy nhiên, cô Nhung cũng đề cập một vấn đề là có thể trong tương lai, khi hoàn thiện hơn, ChatGPT có thể khắc phục những khuyết điểm hiện tại.

“Trước đây, khi cả hệ thống giáo dục lo lắng sự phát triển của Internet sẽ giúp sinh viên sao chép câu trả lời trên mạng, công cụ chống đạo văn như Turnitin đã ra đời để chống lại điều đó. Vì thế, tôi hy vọng chúng ta sẽ sớm có công cụ tương tự để đối phó với ChatGPT thay vì chỉ sợ hãi và phản đối, vì nếu xét theo mặt tích cực, ChatGPT cũng là một công cụ tuyệt vời để hỗ trợ học tập”, cô Nhung nêu ý kiến.

Là một giảng viên đại học, cô Tú sẽ không cấm sinh viên dùng ChatGPT, nhưng cũng không khuyến khích sinh viên sử dụng trong các buổi thảo luận trên lớp. Theo cô, ứng dụng này sẽ hữu dụng trong các bài tập nghiên cứu vì nó có nguồn tham khảo lớn, các dữ kiện đưa ra sẽ rất phong phú. Tuy nhiên, việc sử dụng ChatGPT vẫn cần có sự hướng dẫn của giảng viên để sinh viên biết cách hệ thống, sàng lọc nguồn dữ liệu nhận được.

“Nếu giảng viên đủ giỏi, hoặc tùy vào bản chất từng môn học, phần mềm, ứng dụng nào cũng có thể trở thành một công cụ hỗ trợ hữu ích chứ không phải một mối đe dọa”, cô Tú nhấn mạnh.

Nói thêm về những mối lo ChatGPT có thể thay thế công việc của con người, cô Tú nêu rằng ChatGPT có thay thế được hay không còn tùy vào từng lĩnh vực. Cô lấy ví dụ trong ngành luật, nếu muốn thay thế con người, ChatGPT phải thực sự hoàn thiện về mặt ngôn ngữ và phải có sự hiểu biết, thông thạo về luật của từng quốc gia.

Thông thường, người dùng khi sử dụng ChatGPT đã xác định được câu hỏi của mình muốn đặt ra. Nhưng trong thực tế, khi tư vấn hoặc giải quyết vấn đề pháp lý, các luật sư, nhà tư vấn pháp lý phải đối mặt với lượng dữ liệu rất lớn để giúp khách hàng giải quyết vấn đề, tìm kiếm câu trả lời. Hiện tại, ChatGPT vẫn chưa làm được điều đó.

Một vấn đề khác là trong ngành luật, vấn đề cảm xúc, tình cảm của khách hàng và những yếu tố nhỏ nhặt liên quan cũng rất quan trọng. Cô Tú đặt câu hỏi liệu trong tương lai, ChatGPT có được đào tạo những vấn đề này để đưa ra hướng tư vấn phù hợp nhất hay không.

Trong bài thi luật, ChatGPT vẫn thể hiện ở mức khá nhưng nếu xét trên phương diện công việc, ứng dụng này vẫn thể hiện chưa tốt. Do đó, trong thời điểm hiện tại, ChatGPT vẫn chưa thể thay thế con người. Trong tương lai, nếu muốn thay thế công việc của con người, ChatGPT vẫn phải trau dồi thêm rất nhiều.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ChatGPT đạt điểm kém khi làm đề thi của sinh viên ở Việt Nam