Sắc phong là niềm tự hào, mang tính thiêng liêng với mỗi làng và cá nhân người được phong sắc nên được giữ gìn cẩn thận. Không chỉ có về phương diện tư liệu, sắc phong còn là cổ vật, di sản. Với sắc phong thần, năm Tự Đức thứ 6 (1853) định lệ “nơi nào bị mất sắc thần, thì người giữ sắc và lý trưởng bị phạt trượng”.
Sắc phong ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909) của làng Hoàn Dương (Duy Tiên, Hà Nam) trên trang website của nhà đấu giá Trung Quốc. |
Liên quan đến những thông tin bán đấu giá sắc phong có nguồn gốc Việt Nam, chiều 12/4, bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ VH,TT&DL) đã ký công văn gửi Sở VH,TT&DL các tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương đề nghị phối hợp, khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang rao bán.
Cục Di sản văn hóa đề nghị thu thập và cung cấp các thông tin pháp lý về sắc phong (bao gồm hình ảnh, kích thước, chất liệu… và các văn bản pháp lý có liên quan), việc mất cắp sắc phong (đơn trình báo mất cắp, hình ảnh, biên bản và các hồ sơ liên quan) để phối hợp, làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan về giải pháp hồi hương cổ vật theo nội dung Công ước UNESCO 1970 mà Việt Nam tham gia.
Theo giới nghiên cứu, hồi hương sắc phong là hoàn toàn khả thi khi nhìn từ việc hồi hương ấn vàng Minh Mạng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc hồi hương sắc phong là không thể - bởi những lý do rất “khó nói”.
Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học, hiện tượng mất sắc phong trong các đình, đền, miếu đã diễn ra từ đầu thập niên 1990, chứ không phải vào những năm gần đây. Việc mất cắp này do tội phạm hình sự - văn hóa ham tiền, bất chấp tâm linh, đạo lý, luật pháp, đánh cắp để tuồn ra nước ngoài.
Cho đến nay, việc các làng mất sắc phong vẫn chưa dừng lại và đó là câu chuyện buồn chưa có hồi kết. Với những người yêu mến di sản văn hoá, việc mất đi sắc phong không chỉ là nỗi đau mà còn là một tội. Bởi vậy, việc cảnh giác trước kẻ gian để gìn giữ di sản sắc phong là không thừa.
Tuy nhiên theo khảo sát của PV, hiện vẫn rất nhiều di tích tại các làng khá chủ quan trong việc đề phòng kẻ gian. Thay vì để trong ống quyển, đặt trong hòm sắc thì lại treo trên tường, trưng bày như để “khoe”. Có nơi không treo, vẫn để trong ống quyển nhưng lại đặt ngay trên ban thờ…
Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, đi đến làng xã nào ông cũng thực hiện mấy việc, để góp phần bảo vệ sắc phong: Thứ nhất, nhắc các cụ bảo vệ sắc phong nơi kín đáo, chỉ 2 - 3 cụ có trách nhiệm biết với nhau. Nếu có điều kiện thì mua két sắt bảo quản (két sắt phải “gông” lại đề phòng kẻ gian bê cả két đi). Thứ hai, không cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ danh nghĩa nào, mượn - mang sắc phong ra khỏi di tích. Khi bàn giao giữa các nhiệm kỳ phải ghi rõ biên bản các sắc phong còn lưu.
Cục Di sản văn hóa đề nghị các đơn vị phối hợp chặt chẽ trong quá trình xác minh tính xác thực của các sắc phong; xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong từ các di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan ở địa phương. Đồng thời, đề nghị các Sở VH,TT&DL (nơi bị mất sắc phong) triển khai thực hiện và báo cáo đầy đủ gửi Cục Di sản văn hóa trước ngày 17/4 để có cơ sở triển khai các bước theo quy định.