Chi 3,5 tỷ đồng cho giảng viên học tiến sĩ ở nước ngoài

PV | 24/11/2021, 15:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mỗi giảng viên học tiến sĩ ở nước ngoài được đề xuất hỗ trợ 25.000 USD học phí mỗi năm cùng nhiều khoản khác như bảo hiểm, vé máy bay.

Mức hỗ trợ này do Bộ Tài chính đưa ra tại dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030, được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 89 năm 2019.

Người đi học theo đề án trên sẽ được hỗ trợ học phí và các chi phí học tập, nghiên cứu.

Học phí và các khoản liên quan sẽ được thanh toán theo hợp đồng ký kết giữa Bộ Giáo dục với cơ sở đào tạo ở nước ngoài hoặc theo mức do các cơ sở thông báo trong giấy tiếp nhận học viên. Mức chi trả tối đa là 25.000 USD một năm học. Trường hợp học phí cao hơn, người đi học phải chịu phần chênh lệch.

Sinh hoạt phí được tính toán để đảm bảo nhu cầu tối thiểu, gồm: tiền ăn, ở, đi lại hàng ngày, tiền tài liệu và đồ dùng học tập. Sinh hoạt phí được cấp theo tháng hoặc quý.

Theo dự thảo, giảng viên đi học cũng được thanh toán bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định của nước sở tại, tối đa 1.000 USD một năm. Đối với những nước có mức mua bảo hiểm y tế bắt buộc cao hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định cụ thể trên cơ sở lấy ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính. Nếu có nguyện vọng mua bảo hiểm y tế ở mức cao hơn, người học phải tự bù phần chênh lệch.

Liên quan đến chi phí di chuyển, giảng viên được cấp một lần vé khứ hồi trong toàn bộ thời gian đào tạo. Chi phí đi lại được cấp một lần với mức khoán là 100 USD một người. Chi phí làm hộ chiếu, visa sẽ được thanh toán theo mức quy định của nhà nước.

Ngoài ra, dự thảo của Bộ Tài chính cũng nhắc tới một số khoản khác như hỗ trợ chi phí để xử lý các rủi ro, bất khả kháng xảy ra với người được cử đi.

Đề án 89 đặt mục tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học, trong đó 7% được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, 3% đào tạo trong nước.

Để được đi học theo đề án này, giảng viên cơ hữu, giảng viên nguồn của các trường phải tham gia tuyển chọn. Người tham gia không quá 40 tuổi, đã đáp ứng điều kiện tuyển sinh của chương trình đào tạo, được các trường nước ngoài tiếp nhận học chính thức; hoặc giảng viên nguồn, cơ hữu đang theo học chương tình tiến sĩ còn thời gian học tập, nghiên cứu từ 18 tháng trở lên.

Người tham gia cũng cần đảm bảo chưa nhận học bổng toàn phần từ ngân sách nhà nước hoặc các nguồn kinh phí khác.

Được tuyển chọn và theo học diện Đề án 89, giảng viên có trách nhiệm hoàn thành chương trình và được cấp bằng đúng hạn. Trong thời gian học tập, nghiên cứu hoặc chậm nhất trong 12 tháng sau khi tốt nghiệp, người học tiến sĩ phải công bố được kết quả nghiên cứu liên quan trực tiếp tới đề tài luận án trên các ấn phẩm thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus.

Giảng viên học xong cũng phải trở về cơ sở cử đi học ngay khi tốt nghiệp để làm việc. Trường hợp không thực hiện đầy đủ những trách nhiệm trên theo quy định sẽ phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đã nhận từ đề án.

Ngoài bậc tiến sĩ, giảng viên cơ hữu giảng dạy những ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao được tham gia tuyển chọn để nhận kinh phí hỗ trợ của đề án khi đi học thạc sĩ.

Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để thực hiện mục tiêu của Đề án 89, trong 10 năm tới, Việt Nam cần đào tạo được khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ. Riêng năm 2021, đã có gần 1.300 giảng viên đăng ký học tiến sĩ theo Đề án 89.


Bài liên quan
Sẽ có chuẩn chất lượng đào tạo tiến sỹ cho từng lĩnh vực
Các hội đồng khối ngành với sự tham gia của các nhà khoa học và chuyên gia có uy tín sẽ xây dựng các tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng cho các ngành, nhóm ngành thuộc 24 lĩnh vực đào tạo tiến sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chi 3,5 tỷ đồng cho giảng viên học tiến sĩ ở nước ngoài