Việc có chị em sinh đôi, thêm người bạn đồng hành cũng là một trong những lợi thế giúp việc học tốt hơn. Trước mỗi kỳ thi, hai chị em thường tổng hợp đề cương ôn tập một cách chi tiết. Chuyên ngành khác nhau, nhưng vẫn chung ngành Kinh tế nên hầu như số môn học của chị em trùng nhau.
“Điểm thuận lợi của chị em sinh đôi là khi học những lớp tín chỉ cùng nhau chúng em có thể chia nhau ra làm đề cương ôn tập. Thông qua đó cũng có thể kiểm tra lại kiến thức cho nhau, đặc biệt ở những môn có yêu cầu vấn đáp. Nếu không đăng ký được cùng lớp do hết suất, người học trước sẽ chia sẻ đề cương hay kinh nghiệm học môn học đó cho người còn lại”, Huyền nói.
Tuy vậy, như các sinh viên khác, cả hai vẫn có những thời điểm gặp sự cố.
Thanh Minh và Thu Huyền cùng bố mẹ và em trai tại buổi lễ vinh danh sinh viên tiêu biểu toàn khóa 58 của ĐH Ngoại thương. |
Kỷ niệm buồn của Minh là cú trượt học bổng khuyến khích học tập ở kỳ 1 năm nhất, lý do không chú tâm việc học trên lớp. “Năm nhất mới vào, em bỡ ngỡ về phương pháp học ở bậc đại học, cộng thêm chưa quen cách dạy của thầy cô. Khi đó, không hiểu bài nhưng em ngại hỏi các bạn, thầy cô. Vì vậy, kết quả không được như mong đợi”, Minh kể.
Theo Minh, một thất bại nhưng đổi lại cho em rất nhiều điều. “Đó cũng là bài học để các kỳ sau em luôn cố gắng tập trung hiểu bài và mạnh dạn hỏi các bạn, thầy cô khi không hiểu, làm hết sức có thể trong các bài thi”, Minh nói.
Huyền cũng từng thất vọng vì những môn điểm thấp, không như kỳ vọng. “Hồi kỳ 1 năm hai, em chỉ đạt 5 điểm ở bài kiểm tra giữa kỳ của môn Tài chính - Tiền tệ. Lý do là em không ôn bài kỹ. Điểm giữa kỳ như vậy quá thấp, em phải cố gắng ở bài thi cuối kỳ bởi nếu không có nguy cơ dính điểm D, thậm chí phải học lại”, Huyền kể.
Theo Huyền, khoảng thời gian đó thật sự khó khăn, bởi chỉ còn mỗi bài thi cuối kỳ để vớt vát. Không còn cách nào khác, Huyền ôn cẩn thận hơn và nhờ sự hỗ trợ từ Minh, em gỡ gạc được ở bài thi cuối kỳ với điểm 9. Qua đó, em đạt trung bình chung tích lũy trên 8 để đạt điểm B và vẫn níu lại học bổng kỳ học đó.
“Từ lần đó, em nghĩ rằng không gì không thể, miễn cố gắng hết sức. Sự nỗ lực chắc chắn sẽ được đền đáp. Có thể nó đến muộn hơn một chút, đôi khi bạn phải kiên trì, gục ngã nhưng chắc chắn nỗ lực sẽ có kết quả”, Huyền nói.
Cũng giống Minh, Huyền làm lớp trưởng 15 lớp tín chỉ ngoài việc lớp trưởng lớp hành chính. “Từ việc làm lớp trưởng nhiều lớp, em học được sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, cách gắn kết trong tập thể, kết nối với thầy cô và bạn bè”, Huyền nói.
Cả Minh và Huyền cho rằng may mắn với cả hai khi gia đình luôn là điểm tựa rất lớn, tạo nguồn động lực. “Bố mẹ luôn cho chúng em được tự quyết định công việc cũng như đường hướng sự nghiệp, không hề có sự áp đặt”, Minh nói.
Hiện, Minh làm việc tại hội sở một ngân hàng lớn trong nước, Huyền làm quản lý dự án tại một công ty truyền thông.
Huyền và Minh cho hay cả hai đều đang làm những công việc trái ngành. “Không ít người trẻ làm các công việc khác ngành đào tạo, nên em thấy đây là việc rất bình thường. Tuy nhiên, những kiến thức em được học ở chuyên ngành Kinh tế đối ngoại không vì thế mà uổng phí. Bởi những kiến thức được học cho chúng em kỹ năng, hiện tại có thể chưa dùng đến nhưng trong tương lai hoàn toàn có thể sử dụng đến khi khởi nghiệp, hoặc ở những vị trí công việc khác. Việc học không bao giờ thừa cả”, Minh nói.
Cả hai cùng đặt mục tiêu trong tương lai gần tiếp tục học lên thạc sĩ, song song với việc phát triển công việc.