- Gói có 3 cái thôi nên siêu nhanh.Lúc gói thì bọn nhỏ đứng le ve bên cạnh hỏi này hỏi kia nhức đầu nhưng mà vui. Xong xuôi, ngày xưa thì có đoạn luộc bánh chưng bếp củi qua đêm, ngồi canh háo hức lúc giao thừa.
Giờ mình chọn luộc bằng nồi áp suất. Mỗi lần luộc là được 3 hoặc 4 cái nhỏ xinh. Vừa đủ 3 anh em mỗi đứa 1 chiếc khỏi giành nhau.
- Nồi áp suất mình đổ nước ngập bánh, chọn chế độ hầm đậu. Xong lần 1 xả van hơi nước, sau đó lật bánh ngược lại luộc thêm 1 lần nữa.
- Luộc xong mình để trong nồi ủ, sáng sớm dậy nhấc ra rửa dưới vòi nước sau đó đem ép nhẹ cho bánh chắc lại.
Cũng chỉ kịp ép 2 cái thôi, còn 1 cái thì 4 bố con đứng cạnh canh từ lúc vớt bánh rồi. Ăn thì chẳng đáng bao nhiêu đâu mà sao cái đoạn háo hức nó lại hay thế nhỉ, vui phết.
Câu chuyện bánh chưng ngày Tết xin kết thúc tại đây. Nếu được hỏi có thích gói thêm không, có làm thêm mẻ nữa không? Mình vẫn mạnh dạn trả lời có và chắc chắn sẽ gói tiếp", chị Hòa chia sẻ.
Thấy bánh chưng là thấy Tết! Vậy nên người Việt dù ở đâu, làm gì, vẫn luôn mong ngóng được trở về quây quần bên gia đình, cùng nhau học cách làm bánh chưng hay ngồi canh nồi bánh sôi sục, nóng hổi trên bếp lửa để cảm nhận không khí Tết đang ùa về. Cùng kể nhau nghe những câu chuyện xưa cũ rồi hít hà mùi hương thơm lừng hòa quyện từ lá dong, gạo nếp cái hoa vàng cùng vị ngọt bùi của đậu xanh, vị ngậy béo của nhân thịt trong chiếc bánh chưng – hương vị Tết không thể lẫn vào đâu được.
Hiện nay, đến ngày lễ Tết, do công việc bận rộn mà nhiều phụ huynh thường đặt hoặc mua bánh chưng ở các siêu thị, hàng quán, mua online... Vì vậy mà gia đình không tổ chức gói bánh chưng sum vầy và cùng nhau trông nồi bánh chưng chín như những Tết xưa. Lũ trẻ cũng không có được cảm giác háo hức khi chờ bố mẹ luộc cho cái bánh chưng để ăn. Để trẻ có được trải nghiệm và biết về nét đẹp văn hóa gói bánh chưng ngày Tết là điều vô cùng đặc biệt.