Nhật Bản và Hà Lan trong năm nay đều đưa ra các hạn chế đối với việc xuất khẩu các công cụ chip tiên tiến tương tự như của Mỹ. Nhưng những động thái này diễn ra tương đối muộn, sau khi Trung Quốc tăng cường nhập khẩu các thiết bị.
Điều đó đã giúp ngành chip của Trung Quốc thoát khỏi những tác động nghiêm trọng nhất của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, ít nhất là trong ngắn hạn.
Gregory Allen, giám đốc Trung tâm AI và Công nghệ tiên tiến Wadhwani tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết: “Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hà Lan và Nhật Bản đã không có hiệu lực trong một thời gian dài và đó là nguồn gốc của tiến bộ công nghệ của Trung Quốc vượt ngoài cơ chế kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Các công ty Trung Quốc về cơ bản đã kịp mua bất cứ thứ gì trong thời gian đó”.
Các quy định mới nhất sẽ không có hiệu lực cho đến ngày 17/11, có nghĩa là các công ty Trung Quốc lại có cơ hội xử lý trước và tạo điều kiện thuận lợi cho những đơn đặt hàng trước đó.
Ông nói thêm, do chuỗi cung ứng dài và phức tạp, Washington cũng cần thu hút các đồng minh ngoài Nhật Bản và Hà Lan, như Hàn Quốc, Đức, Bỉ, “và lý tưởng nhất là toàn bộ Liên minh châu Âu”.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Nhật Bản - quê hương của các nhà cung cấp công cụ chip như Tokyo Electron, Nikon và Desco - là nguồn nhập khẩu thiết bị bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc kể từ năm 2019. Nhập khẩu như vậy từ Hà Lan cũng tăng lên kể từ năm 2020. ASML và công ty đồng hương ASM là những nhà sản xuất thống trị về in thạch bản và thiết bị lắng đọng lớp nguyên tử, những thiết bị cần thiết cho sản xuất chip tiên tiến.
Trung Quốc vẫn là thị trường hàng đầu của các nhà sản xuất thiết bị chip hàng đầu của Mỹ. Lam Research nhận thấy tỷ trọng doanh thu tại Trung Quốc tiếp tục tăng, đóng góp 48% doanh thu trong giai đoạn quý 3, tăng từ mức 26% của quý trước. Nhà sản xuất thiết bị bán dẫn của Mỹ KLA kiếm được khoảng 30% doanh thu từ Trung Quốc trong quý 2.
Bên cạnh đó, các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực thiết bị chip nói với Nikkei Asia rằng ngay cả những máy móc thế hệ cũ cũng có thể được sử dụng để chế tạo chip tiên tiến.
Một kỹ sư kỳ cựu của một nhà sản xuất thiết bị chip của Mỹ cho biết vẫn có thể sử dụng các công cụ kém tiên tiến hơn để tạo ra những con chip tiên tiến hơn.
Đòi hỏi thời gian
Tuy nhiên, nhiều giám đốc điều hành và nhà phân tích trong ngành cho rằng kiểm soát xuất khẩu là một cách hiệu quả để kiềm chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc, mặc dù có thể mất nhiều thời gian.
Martijn Rasser, giám đốc điều hành của Datena có trụ sở tại Hà Lan, nhà cung cấp dữ liệu và thông tin chuyên về Trung Quốc, cho biết bước đột phá mới nhất của Huawei không phải là bằng chứng cho thấy các biện pháp kiểm soát xuất khẩu thất bại.
Rasser cho rằng những tác động thực sự sẽ phải mất thời gian đồng thời có khả năng Mỹ sẽ thực hiện “nhiều đợt” cập nhật để sửa lỗ hổng trong các quy tắc mới nhất của mình.
Miin Wu, chủ tịch sáng lập hãng sản xuất chip nhớ Macronix thuộc Đài Loan (Trung Quốc), đã tóm tắt những điểm mạnh và điểm yếu trong cách tiếp cận của Washington.
Wu nói: “Sự tiến bộ của Huawei về cơ bản chứng minh một điều: Trung Quốc có thể sống sót sau các cuộc kiểm soát của Mỹ. Nhưng xét về việc bắt kịp các nhà sản xuất chip quốc tế và có tính cạnh tranh rất cao… tôi nghĩ [những biện pháp kiểm soát xuất khẩu này] sẽ trì hoãn sự phát triển của họ hàng thập kỷ”.