Theo một quan chức IAF, giới chức đang triển khai các biện pháp sâu rộng để đảm bảo an ninh toàn diện cho hội nghị thượng đỉnh G20. Các nguồn lực đều được huy động để giải quyết các mối đe dọa khác nhau, từ các máy bay không người lái bay chậm đến các mục tiêu tốc độ cao như tên lửa.
Để giải quyết những mối đe dọa này, IAF sẽ có một quy trình theo các bước. Bước đầu tiên là các radar và cảm biến trên không sẽ phát hiện mối đe dọa trên không; thứ hai là xác định xem đối tượng là gì; thứ ba, cơ chế chỉ huy và kiểm soát tại Trung tâm Chỉ đạo Hoạt động sẽ quyết định đâu là vũ khí tốt nhất để giải quyết mối đe dọa.
Để đối phó với các mối đe dọa trên không, quân đội Ấn Độ cùng với lực lượng không quân, cảnh sát Delhi và lực lượng bán quân sự sẽ triển khai các hệ thống chống máy bay không người lái, chiến đấu cơ (gồm các loại Rafale, MiG 29, Mirage 2000, Sukhoi 30 MKI), thiết bị không người lái, tên lửa phòng không và thiết bị giám sát trên không để đảm bảo không phận trên New Delhi. Ngoài ra, 400 lính cứu hỏa sẽ túc trực.
Chính phủ Ấn Độ đã thuê 20 chiếc xe limousine chống đạn với chi phí khoảng 18 tỷ rupee để chở các nhà lãnh đạo thế giới.
Ấn Độ đã lập các phòng kiểm soát an ninh tại Bharat Mandapam và ký hợp đồng đặc biệt với các khách sạn nổi tiếng như ITC Maurya - nơi sẽ tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trước thềm G20, Cảnh sát Delhi đã tiến hành diễn tập toàn diện vào ngày 3/9. Để hỗ trợ người dân di chuyển đến và đi từ sân bay, nhà ga và bến xe buýt, bộ phận trợ giúp ảo G20 đã được thiết lập để gợi ý về tuyến đường.
Trong tuần lễ diễn ra hội nghị thượng đỉnh, khu vực New Delhi sẽ được canh gác nghiêm ngặt và kiểm soát mọi hoạt động ra vào thủ đô. Tại đây, chính phủ Ấn Độ dự kiến đóng cửa một phần khi yêu cầu các trường học, cơ quan chính phủ và doanh nghiệp đóng cửa ba ngày.
Về nội dung của G20, sẽ có hàng loạt vấn đề được lãnh đạo các nước thành viên G20 thảo luận, từ kinh tế đến biến đổi khí hậu, năng lượng bền vững, xóa nợ quốc tế và đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia.
Chủ đề của hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay là "Vasudhaiva Kutumbakam" (tạm dịch “Thế giới là một gia đình”). Là chủ tịch G20 năm 2023, Ấn Độ mong muốn hội nghị thượng đỉnh tại New Delhi tập trung vào phát triển bền vững, cũng như các biện pháp nhằm lan tỏa tăng trưởng kinh tế đồng đều hơn giữa các nước phát triển và đang phát triển.