Một trong những hình thức XHH trong giáo dục hiện nay đang được phổ biến trên phạm vi rộng của cả nước đó là triển khai hình thức dạy liên kết ở các môn tự chọn. Do đó, để phát huy vai trò của các bên cũng như tạo điều kiện để hình thức XHH này đi đúng mục tiêu và đem lại lợi ích, hiệu quả cần xây dựng cơ sở pháp lý cụ thể.
Cơ sở pháp lý của dạy liên kết
Những năm qua, trên phạm vi cả nước, XHH trong giáo dục làm cho hệ thống giáo dục năng động hơn, hiệu quả hơn. Vấn đề là phải kết hợp được một cách hợp lý, có hiệu quả các mặt tích cực giữa tài trợ và vận hành của cơ chế công - tư trong mỗi loại hình với cơ sở pháp lý vững chắc để thu hút nhiều hơn nữa và bền vững sự đầu tư và hợp tác từ khối tư nhân.
Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 có nội dung triển khai dạy Toán và các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh đã huy động nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tham gia vào quá trình đưa các chương trình, phương pháp giảng dạy mới của thế giới vào Việt Nam.
Chương trình XHH này đã giải quyết thực trạng nhiều nhà trường thiếu giáo viên (GV) (đặc biệt là giáo viên có chất lượng), thiếu công nghệ dạy học, thiếu chương trình có bản quyền… Do đó, khi hợp tác với các công ty giáo dục có những khả năng đáp ứng, giải quyết các vấn đề trên, nhà trường đã có thể hợp tác để tổ chức học ngay trong những tiết tăng cường.
Có thể nói, TPHCM là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về XHH trong giáo dục đặc biệt là tổ chức XHH trong các môn tự chọn, dạy liên kết như tiếng Anh tăng cường, STEM, rèn kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa…
Nói về điều này, Ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, TPHCM đã đầu tư, chuẩn bị từ sớm để triển khai giảng dạy môn tích hợp trong trường THCS. Bây giờ phải kiên trì, quyết liệt làm vì nó có lợi cho học sinh.
Chương trình tích hợp được biên soạn tích hợp với chương trình chuẩn quốc gia của Bộ GD&ĐT. Tức là được phân bố dựa trên khung chương trình của Bộ, trong đó vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ chương trình khung cho các khối lớp của chương trình.
Trong từng môn, Sở GD&ĐT sẽ có khung chương trình phân tiết cho GV bản ngữ dạy bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó vẫn có GV Việt Nam dạy bằng tiếng Việt dựa trên khung chương trình Bộ GD-ĐT, với nguyên tắc không trùng lắp và bổ sung kiến thức lẫn nhau.
“Bao lâu nay chúng ta than thở rằng học sinh vác cặp quá nặng. Các em phải học quá nhiều kiến thức. Giờ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã tích hợp một số môn, kiến thức nhẹ nhàng rồi thì chúng ta cần giữ vững quan điểm đó. TPHCM sẽ quyết liệt, kiên trì dạy học môn tích hợp ở bậc THCS vì nó có lợi cho học sinh", ông Hiếu nhấn mạnh.
UBND TPHCM đã có quyết định 3776/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Xã hội hóa phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến 2030” giao cho Sở GD&ĐT phối hợp với các sở Ban ngành tổ chức triển khai sẽ là văn bản pháp lý quan trọng để các đơn vị thực hiện quá trình hợp tác.
Theo đó, đã chỉ rõ tính pháp lý của quá trình dạy học liên kết và nhiệm vụ của các bên. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong quá trình chọn đối tác, giám sát mức học phí trên cơ sở đảm bảo lợi ích cho học sinh là hàng đầu, tôn trọng sự tự nguyện của học sinh - phụ huynh, thẩm định, tổng kết đánh giá chương trình dạy học cũng như năng lực của nhà cung cấp…
Thành phố tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học, hướng tới mục tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Bên cạnh các đầu tư công thì thành phố có cơ chế, giải pháp đặc thù, chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính… để huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư phát triển mạng lưới trường học theo phương thức hợp tác công-tư, kích cầu, XHH.