Chiến thuật giành điểm cao môn Lịch sử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

24/03/2024, 11:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cấu trúc đề thi tham khảo môn Lịch sử 2024 cơ bản giữ ổn định như đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Theo đánh giá của cô Vi Thị Thu Hồng, Tổ trưởng tổ Khoa học xã hội, Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An), đề thi tham khảo môn Lịch sử 2024 bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng của chương trình GDPT 2006 và bước đầu có sự tiệm cận dần với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của chương trình GDPT 2018.

Đề có sự phân hóa khá rõ nét, phù hợp cho 2 mục tiêu của kỳ thi là tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Các dạng thức câu hỏi trong đề tham khảo năm nay vẫn giữ nguyên.

Đối với cấu trúc, định dạng tham khảo năm 2024 giống đề thi tốt nghiệp năm 2023, vì vậy học sinh khối 12 cần bình tĩnh, nắm chắc chắn kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.

Đồng thời, thí sinh cần hệ thống hóa kiến thức theo chuyên đề để nắm được khái quát toàn bộ chương trình, không học tủ.

Quá trình học giai đoạn nước rút, thí sinh chú ý rèn luyện thêm kĩ năng so sánh, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Đối với đề thi tham khảo năm nay, có 70% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết và thông hiểu. “Theo đó, thí sinh có năng lực học trung bình, yếu nếu các em cố gắng học kĩ sách giáo khoa, nắm chắc hệ thống từ chìa khóa và rèn luyện thêm kĩ năng làm bài, đặc biệt là kĩ năng phân tích đề, xác định đúng được yêu cầu của đề ra thì việc đạt được điểm 6, điểm 7 không phải là việc quá khó’, cô Thu Hồng nhấn mạnh.

Theo cô Thu Hồng, từ câu 31 trở đi, đề thi đã có sự phân hóa, đặc biệt 4 câu cuối đòi hỏi học sinh phải có kiến thức tổng quát, thậm chí là chuyên sâu mới có thể giải quyết được.

Cô Thu Hồng cho biết thêm: “Đối với học sinh khá, giỏi, muốn đạt điểm cao, ngoài việc nắm chắc kiến thức cơ bản các em cần phải biết khái quát, hệ thống hóa và xâu chuỗi các vấn đề.

Quá trình học, cần rèn luyện thêm kĩ năng vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn, đồng thời phải tích cực luyện đề tổng hợp để vừa củng cố kiến thức, vừa rèn luyện tâm lý, bản lĩnh làm bài”.

Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa sĩ tử 2k6 sẽ bước vào kỳ thi, đây là giai đoạn nước rút để về đích, để đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới, cô Thu Hồng lưu thí sinh cần xác định mục tiêu, động cơ học tập rõ ràng.

Thí sinh phải đảm bảo có một sức khỏe thể chất và tinh thần tốt nhất để tập trung cho việc học. Muốn làm được điều này, các em cần phân bố thời gian hợp lý giữa việc học và các hoạt động khác, cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi.

Cần bình tĩnh, không lơ là, chủ quan nhưng cũng không nóng vội, đốt cháy giai đoạn. Tìm cho mình phương pháp học tập giai đoạn nước rút hiệu quả, phù hợp với bản thân, lên kế hoạch chi tiết cho từng môn học và đặc biệt là phải chủ động tự học mỗi ngày.

“12 năm trồng cây chỉ chờ ngày hái quả, chúc tất cả các sĩ tử có chiến lược, chiến thuật ôn thi tốt nhất để có thể đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới”, cô Thu Hồng nhắn nhủ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến thuật giành điểm cao môn Lịch sử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024