Số phận của ông McCarthy cũng được quan tâm nhiều sau diễn biến kịch tính nêu trên. Việc dựa vào Đảng Dân chủ để ngăn kịch bản chính phủ đóng cửa có thể khiến ghế chủ tịch Hạ viện của ông McCarthy thêm lung lay, nhất là khi các thành viên theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa tiếp tục đe dọa phế truất ông khỏi vị trí này.
Sức ép khác đến từ yêu cầu của lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Hạ viện. Theo đó, ông McCarthy cần đưa ra bỏ phiếu dự luật riêng về vấn đề viện trợ cho Ukraine khi Hạ viện họp trở lại. Ngay cả ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine không được phép bị gián đoạn trong mọi trường hợp.
AP nhận định đây là vấn đề có thể khơi mào các cuộc tranh cãi gay gắt tại Quốc hội Mỹ trong những tuần tới. Mỹ đã viện trợ quân sự cho Ukraine hơn 43 tỉ USD kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Trước mắt, việc chính phủ Mỹ tiếp tục hoạt động giúp tránh nhiều rắc rối, tác động tiêu cực không chỉ về mặt đối nội mà còn cả đối ngoại. Theo Reuters, Bộ Ngoại giao là một trong những cơ quan bị ảnh hưởng trong trường hợp chính phủ Mỹ đóng cửa.
Các đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ vẫn sẽ mở cửa; việc xử lý hộ chiếu, thị thực vẫn tiếp tục miễn là có đủ tiền chi trả cho các hoạt động. Tuy nhiên, các chuyến thăm chính thức hoặc các sự kiện không cần thiết sẽ bị hạn chế.
Tình trạng đóng cửa chính phủ cũng đe dọa khiến một số chương trình viện trợ nước ngoài của Mỹ bị cạn ngân sách hoặc gặp khó khăn. Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết với số lượng nhân viên hạn chế, việc thực thi và giám sát các chương trình ứng phó khủng hoảng, cung cấp hỗ trợ y tế (tập trung vào các bệnh sốt rét - lao - HIV/AIDS) có thể bị trì hoãn.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng cảnh báo kịch bản tiêu cực này khiến các nỗ lực thúc đẩy an ninh quốc gia trở nên khó khăn hơn.