Các nghị sĩ Ukraine hôm 5-9 đã bỏ phiếu bầu 9 bộ trưởng mới, bao gồm bộ trưởng ngoại giao và 2 phó thủ tướng.
Theo Reuters, đây là cuộc cải tổ chính phủ lớn nhất của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine năm 2022.
Cuộc cải tổ bắt đầu vào ngày 3-9 khi một số bộ trưởng Ukraine từ chức. Ít nhất 5 ghế trong nội các đã bị bỏ trống sau đợt sa thải trước đó. Ông Zelenskiy đã đề xuất những người thay thế và các nghị sĩ đã phê chuẩn họ vào ngày 5-9.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy. Ảnh: Reuters
Ông Andrii Sybiha, 49 tuổi, một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, sẽ nắm quyền điều hành bộ ngoại giao, thay thế ông Dmytro Kuleba.
Một nhân vật khác, bà Olha Stefanyshina, 38 tuổi, sẽ trở thành bộ trưởng tư pháp kiêm phụ trách giám sát tiến trình Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và liên minh quân sự NATO.
Trong khi đó, cựu kỹ sư Herman Smetanin, 32 tuổi, được bổ nhiệm làm bộ trưởng công nghiệp chiến lược phụ trách sản xuất vũ khí.
Cựu phó Chánh văn phòng tổng thống Oleksiy Kuleba được bổ nhiệm làm phó thủ tướng phụ trách tái thiết, khu vực và cơ sở hạ tầng.
Các nghị sĩ Ukraine cũng bầu các bộ trưởng nông nghiệp, văn hóa, môi trường, các vấn đề cựu chiến binh và thể thao.
Reuters nhận định cuộc cải tổ “tạo ra cảm giác đổi mới chính trị” dù Ukraine chưa thể tổ chức bầu cử do đang trong tình trạng thiết quân luật.
Giám đốc điều hành của tổ chức thăm dò ý kiến KIIS (trụ sở tại Kiev) Anton Hrushetskyi nói với Reuters: “Mọi người đang phản đối việc tổ chức bầu cử ngay bây giờ nên cách duy nhất để làm mới chính quyền là thay đổi các quan chức trong chính phủ”.
Về cuộc cải tổ, ông Zelenskiy tuyên bố Ukraine cần “năng lượng mới” và mùa thu này là thời điểm quan trọng đối với Kiev.
Giữa thời điểm lực lượng Nga đang tiến về phía Đông và tăng cường chiến dịch tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào Kiev cũng như các thành phố khác của Ukraine, ông Zelenskiy thông báo đang chuẩn bị một số cuộc họp quan trọng với các đối tác nước ngoài vào tháng 9 để cố gắng đảm bảo Kiev giành lại thế chủ động trong cuộc xung đột.