Từ thực tế trên, đại biểu đoàn Quảng Nam đề nghị Chính phủ sớm có chính sách ưu tiên đãi ngộ, chế độ tiền lương tương xứng với công sức nhà giáo. Trước mắt, là giáo viên ở miền núi, hải đảo, khu vực điều kiện kinh tế khó khăn để các thầy, cô giáo yên tâm công tác, đảm bảo chất lượng dạy học.
Ngoài ra, cần có chủ trương xét tuyển giáo viên ở các cấp học thay cho thi tuyển để kịp thời bổ sung, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay ở khu vực miền núi. “Việc đào tạo sinh viên sư phạm cần đáp ứng yêu cầu dạy và học, tránh tình trạng mất cân bằng giữa các ngành học, vùng. Tinh thần là, ở đâu có trường, lớp, học sinh, thì ở đó phải có giáo viên đứng lớp”, đại biểu Dương Văn Phước nhấn mạnh.
Theo bà Tăng Thị Ngọc Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, công việc của giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng rất đặc thù, đòi hỏi sự tận tụy, tỉ mỉ, thời gian làm việc gò bó. Về lâu dài, để cải thiện đời sống, khắc phục tình trạng giáo viên chuyển việc, bỏ nghề, cần cơ chế chính sách tiền lương và phụ cấp ưu đãi riêng dành cho nhà giáo, bởi “có thực mới vực được đạo”.
“Tôi hoan nghênh đề xuất của Bộ GD&ĐT với 8 mức phụ cấp ưu đãi nhà giáo, từ 25% đến 100%. Theo đó, nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và 50% lên 70%. Giáo viên mầm non công tác vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%. Hy vọng đề xuất này sớm thành hiện thực”, bà Tăng Thị Ngọc Mai bày tỏ.
Theo các chuyên gia, để thu hút, giữ chân giáo viên cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền lương. Đây là giải pháp thiết thực nhằm chăm lo cho đội ngũ nhà giáo.
“Nhà giáo là nghề đặc biệt. Không phải ngẫu nhiên thầy, cô giáo được các thế hệ học trò tôn kính, xã hội tôn vinh”, TS Trịnh Thanh Huyền – Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế (Học viện Tài chính) nói và nhấn mạnh, ở bất kỳ xã hội nào, nhà giáo cũng được trân trọng, tin cậy. Hy vọng, các cơ chế, chính sách cải thiện, nâng cao thu nhập cho giáo viên sớm được ban hành, đi vào cuộc sống. Qua đó, giúp thầy, cô giáo gắn bó với nhiệm vụ “trồng người” cao cả.
Trả lời chất vấn của đại biểu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, thời gian tới, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng bảng lương mới cho nhà giáo. Trên cơ sở Nghị quyết 29, đảm bảo tiền lương cơ bản, cộng với phụ cấp sẽ cao hơn trong hệ thống bảng lương hành chính sự nghiệp.