Các nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra công thức giúp xác định kích thước bàn ghế phù hợp cho từng lứa tuổi, đó là căn cứ vào chiều cao của trẻ. Theo công thức này, một bộ bàn ghế có kích thước phù hợp là chiều cao ghế ngồi bằng 0,27 chiều cao học sinh; chiều cao bàn học bằng 0,46 chiều cao học sinh.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bàn ghế học sinh phải tuân theo các yêu cầu cơ bản sau: Trước hết, bàn và ghế phải tách rời nhau, ghế phải có thành tựa để học sinh thoải mái cử động trong khi học tập như đứng lên ngồi xuống khi phát biểu ý kiến, ra vào bàn ghế lên bảng, ra chơi và khi tan trường.
Kích thước bàn ghế phải phù hợp với tầm vóc học sinh, cụ thể: chiều cao bàn bằng khoảng 42%, còn chiều cao ghế bằng khoảng 26% chiều cao thân thể, thành tựa ghế hơi ngả về sau một góc khoảng 5 độ so với đường thẳng đứng, chiều rộng ghế bằng 2/3-3/4 chiều dài đùi, chiều ngang tối thiểu cho một bàn đơn là 0,4-0,5m. Tốt nhất chiều dài của bàn học dành cho một người là 0,9m, dành cho hai người là 1,4m.
Hiện nay trên thị trường đã xuất hiện loại ghế rời, có thể điều chỉnh độ dài chân bàn ghế khác nhau. Với loại bàn ghế này, các bậc phụ huynh có thể yên tâm vì nó có thể đáp ứng sự phát triển chiều cao của một đứa trẻ trong vài năm, lại có thể tiết kiệm chi phí mua mới.
Một điều cũng cần lưu ý khi chọn mua bàn học cho học sinh là màu sắc của mặt bàn học. Nên chọn những chiếc bàn có màu xanh lá cây hoặc vàng nhạt, nhưng không được bóng gây loá mắt trẻ. Những chiếc bàn có màu sắc sặc sỡ như màu nâu đỏ, màu tím... sẽ làm mắt trẻ bị kích thích mạnh, chóng mỏi mệt.
Mặt bàn cũng nên được đóng nghiêng khoảng 5 độ để trẻ ngồi ở tư thế hơi tựa vào lưng ghế vẫn có thể dễ dàng nhìn rõ toàn trang sách. Nếu mặt bàn song song với mặt đất thì khoảng cách từ mắt trẻ tới những hàng chữ ở phía trên quyển sách sẽ chênh lệch so với những hàng chữ ở cuối trang sách. Như vậy, để nhìn hoặc viết được rõ ràng, bắt buộc trẻ lại phải thay đổi tư thế ngồi dễ gây mỏi mệt, ảnh hưởng đến chất lượng học tập.